Thể thao TPHCM: Tích hợp công nghệ vào huấn luyện

Đổi mới, sáng tạo, hiện đại, hiệu quả... là những lợi ích thiết thực mà các thiết bị công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại trong quá trình huấn luyện của các đội tuyển TPHCM. Và đây cũng là định hướng mà giới chuyên môn thực hiện để phát triển thể thao thành phố trong giai đoạn mới.

Võ sĩ đội tuyển Muay - Kickboxing TPHCM tập luyện với thiết bị Trí lực Master

Võ sĩ đội tuyển Muay - Kickboxing TPHCM tập luyện với thiết bị Trí lực Master

Hòa nhịp công nghệ

Theo dõi một buổi huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM, các võ sĩ của đội tuyển Muay - Kickboxing TPHCM thích thú luyện những bài tập với “máy đấm” màu đỏ bắt mắt. Sau một lượt phát lực vào máy, huấn luyện viên (HLV) ngay lập tức xem được các thông số về sức mạnh, tốc độ, đòn đấm đá, lực đòn, phản xạ và các chỉ số vận động chuyên biệt của từng vận động viên (VĐV) trên điện thoại thông minh của mình.

“Các bài tập chuyên môn của đội được đổi mới hơn từ khi tập luyện với máy. Tôi có thể ra hết lực đấm của mình, biết được trong một thời gian nhất định bản thân ra được bao nhiêu đòn, tốc độ ra sao, động tác cải thiện rõ rệt”, võ sĩ Nguyễn Đức Hòa (đội tuyển Muay - Kickboxing TPHCM) cho biết.

Theo giới thiệu từ Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM Lý Đại Nghĩa, hệ thống thiết bị này có tên là Trí lực Master tích hợp AI, đã đưa vào thí điểm tại một số môn võ đối kháng gần 1 tháng qua và giúp gia tăng hiệu suất huấn luyện rõ rệt. Các HLV giờ đây không cần phải ghi chú các thông số huấn luyện để báo cáo, mà thiết bị kết nối hệ thống AI sẽ tự động lượng hóa kết quả tập luyện trong từng ngày gửi đến ban huấn luyện, ban lãnh đạo.

Giám đốc Lý Đại Nghĩa hào hứng chia sẻ: “Thật phấn khởi! Sau 3 tuần ứng dụng thiết bị này trong huấn luyện, giờ đây tôi ngồi làm việc ở văn phòng mà có thể nắm được chất lượng thực hiện giáo án trong từng buổi tập của các VĐV. Như buổi huấn luyện ngày 24-7 vừa qua, các VĐV tập trên thiết bị gia tăng, đặc biệt tại máy 142 có một VĐV đánh đòn thẳng vượt ngưỡng. Đây là khởi đầu cho tương lai của công tác nghiệp vụ và quản lý huấn luyện”.

Không khí tại phòng tập boxing cũng sôi nổi hẳn lên bởi tiếng hô vang khi VĐV phát lực vào máy. VĐV Nguyễn Thị Thanh Hảo (đội tuyển boxing TPHCM) cho hay: “Theo cách luyện tập ngày trước, khi đấu tập cùng đồng đội, tôi cũng có phần giảm lực vì sợ gặp chấn thương. Nhưng khi tập với máy, mình bung hết sức, tương đương với lúc thi đấu thực tế và biết được sức nặng của đòn đấm như thế nào. Khi đó, tôi còn được HLV điều chỉnh một số động tác để tránh chấn thương không đáng có”.

Ứng dụng Trí lực Master gần 1 tháng qua với các học trò của mình, HLV Trần Quang Minh (đội tuyển boxing TPHCM) thừa nhận, đây là sự bổ sung cần thiết trong công tác huấn luyện, đồng thời khi có được những phân tích đầy đủ về các thông số thể chất và kỹ thuật, ban huấn luyện có thể lựa chọn chiến thuật phù hợp dành riêng cho từng cá nhân.

“Khi VĐV phát lực vào máy, tôi sẽ xem ngay được các thông số trên điện thoại di động. Biết được động tác đó của VĐV như thế nào, mạnh nhẹ ra sao, cần cải thiện những gì, tôi chỉnh sửa ngay lúc đó. Kết quả được hiển thị cụ thể như thế, HLV biết được giáo án huấn luyện của mình có đi đúng hướng và mang lại hiệu quả hay không”, vị HLV này kể.

Dự kiến trong tháng 9, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM tiếp tục thí điểm ứng dụng công nghệ sóng não và phương pháp kiểm tra tâm lý hiện đại để can thiệp và huấn luyện tâm lý cho VĐV cấp cao. “Trong tập luyện, VĐV thường thể hiện rất tốt, nhưng nhiều trường hợp ra thi đấu lại không được hết khả năng. Có nhiều lý do được đưa ra, mà yếu tố do tâm lý thường được nhắc đến. Do đó, công nghệ mới khi được ứng dụng sẽ giải quyết các vấn đề về tâm lý thi đấu cho VĐV”, ông Lý Đại Nghĩa nói thêm.

Vẫn nhiều thách thức...

Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân khẳng định, thành tích thể thao không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay cảm tính, mà muốn tiến xa phải dựa vào khoa học. AI, dữ liệu lớn và sinh lý vận động là ba yếu tố không thể thiếu trong huấn luyện hiện đại. Việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hay AI vào công tác huấn luyện được xem là bước đột phá của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM nói riêng, thể thao TPHCM nói chung. Khi làm quen với các tính năng, HLV bắt đầu hiểu được ý nghĩa các chỉ số từ việc phân tích dữ liệu của VĐV đang tập huấn. Đây là nền tảng giúp cả thầy và trò dần làm quen cách tư duy dựa trên dữ liệu, mở đường cho việc đón nhận AI một cách hiệu quả hơn.

Theo ông Phạm Thanh Nghị, Trưởng phòng Phòng Khoa học và Y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM), công nghệ không chỉ dùng trong công tác đánh giá mà còn áp dụng trong công tác huấn luyện, nhất là khía cạnh huấn luyện thể lực cho các đội tuyển thể thao TPHCM. Để theo dõi lượng vận động trong buổi huấn luyện, các VĐV còn được mang thiết bị cảm biến, đồng hồ theo dõi mạch liên tục.

“Theo kết quả mà chúng tôi ghi nhận, khi ứng dụng công nghệ thì hiệu quả huấn luyện đã được nâng cao. HLV giảm được khối lượng công việc, tập trung hơn vào công tác chuyên môn, lên giáo án, truyền tải kinh nghiệm, còn đánh giá về lượng vận động, những tham số cụ thể, mức độ hồi phục chấn thương... đã có sự hỗ trợ của công nghệ, AI. Đối với VĐV, các bài tập huấn luyện đúng với cường độ, phù hợp với trình độ từng VĐV”, ông Phạm Thanh Nghị chia sẻ.

Dù thực tế mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc ứng dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế với thể thao TPHCM, nhất là khâu đầu tư trang thiết bị. Chẳng hạn Trí lực Master chỉ mới bố trí ở một số môn võ đối kháng, trong khi thiết bị cảm biến mới có khoảng 50 máy, không thể dùng đủ cho hơn 1.000 VĐV tại Trung tâm trong một buổi huấn luyện. Các thiết bị công nghệ cũng mới đủ ứng dụng ở khoảng 15-16 bộ môn. Để đảm bảo công tác vận hành được trơn tru, phía Trung tâm đã phải lắp đặt một hệ thống mạng, đường truyền riêng cho các thiết bị công nghệ, AI huấn luyện.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-thao-tphcm-tich-hop-cong-nghe-vao-huan-luyen-post805639.html