Thẻ xanh vaccine Covid-19 gây tranh cãi

Tấm thẻ xanh đang được áp dụng ở Israel mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng gây không ít tranh cãi.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang họp bàn để cung cấp loại "giấy thông hành xanh" cho những người đã tiêm vaccine Covid-19. Với loại giấy phép này, người được cấp có thể di chuyển an toàn trong EU hoặc ngoài EU để làm việc hoặc du lịch.

Thực tế, loại giấy này khá giống với cách hoạt động của "thẻ xanh" đang được áp dụng tại Israel. Mô hình của Israel được đánh giá cao về độ hiệu quả nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại liên quan tới vấn đề đạo đức.

Thẻ xanh là gì?

Trước những quan tâm của dư luận về "thẻ xanh Israel", tờ USA Today đã dành một bài "Fact Check" (tạm dịch: kiểm tra thông tin) để đem đến cái nhìn tổng quan.

Theo đó, thẻ xanh hay hộ chiếu vaccine Covid-19 nội bộ là một sáng kiến được Bộ Y tế Israel giới thiệu hồi giữa tháng 1 và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 2. Đây là nỗ lực mở cửa lại đất nước và phát triển kinh tế của Israel.

 Tấm thẻ xanh mang đến nhiều đặc quyền cho người được tiêm chủng.

Tấm thẻ xanh mang đến nhiều đặc quyền cho người được tiêm chủng.

Bộ Y tế Israel định nghĩa thẻ xanh là chứng chỉ tiêm chủng ở cả dạng số lẫn giấy. Nó được phát cho bất kỳ ai đã tiêm 2 liều vaccine Covid-19 của các tổ chức, dịch vụ tiêm chủng mà chính quyền công nhận. Những người đã khỏi bệnh do virus corona nhưng chưa được tiêm chủng cũng không đủ điều kiện nhận thẻ.

Trong khi các cửa hàng, trung tâm thương mại hay bảo tàng mở cửa cho toàn dân. Thẻ xanh lại cho phép người dân được đến các điểm bị hạn chế như khách sạn, phòng gym, nhà hát, địa điểm âm nhạc và các cơ sở giải trí khác.

Người có thẻ xanh không cần tuân theo các hạn chế an toàn liên quan đến Covid-19 như cách ly nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay trở về từ "vùng đỏ" hoặc các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Dù vậy, người sở hữu thẻ vẫn phải đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh xa các buổi tụ tập đông. Thẻ có hiệu lực tính từ một tuần sau khi tiêm vaccine liều thứ hai và hết hạn trong vòng 6 tháng. Nó có thể gia hạn nhiều lần.

Cuộc sống của người dân Israel với thẻ xanh

Quốc gia với 9 triệu dân này ghi nhận một nửa dân số đã được tiêm vaccine. Để đảm bảo tính an toàn, một tuần trước, chính quyền đã triển khai ứng dụng nhận biết người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có miễn dịch sau khi mắc bệnh.

Theo The Guardian, trong tuần này, những người được cấp thẻ xanh có thể ăn uống bên trong nhà hàng, quán bar.

 Nhiều người vui mừng khi tấm thẻ xanh được thông qua.

Nhiều người vui mừng khi tấm thẻ xanh được thông qua.

Armin Grunewald, Giám đốc của khách sạn gần biển hồ Galilee, xác nhận các phòng đều đã "chật kín người mang thẻ xanh". Ông nhận xét gương mặt khách hàng trông thật hạnh phúc, giống như họ được giải phóng. Tuy nhiên, việc vận hành khách sạn vẫn phải tuân theo một số quy tắc liên quan tới dịch bệnh.

Những khách muốn uống cà phê trong sảnh đợi đã được nhân viên mời ra ngoài vì họ có giới hạn số người ở trong nhà.

"Chúng tôi có dịch vụ bữa sáng trọn gói trong phòng hoặc bên ngoài do nhà hàng chưa được mở cửa. Có một số phàn nàn liên quan đến các hạn chế. Những người dưới 16 tuổi không đủ điều kiện tiêm vaccine phải cung cấp xét nghiệm âm tính gần nhất", ông cho biết.

Tại thành phố Rehovot, Amit Dolev, giáo viên lịch sử 50 tuổi, đã sử dụng thẻ xanh để trở lại phòng gym sau nhiều tháng tập tại nhà. "Tôi thấy mình giống như một tù nhân tại nhà", ông nói.

Tuy nhiên, khi trở lại phòng tập, Dolev thừa nhận không khí cũng khá buồn tẻ. Phòng vắng người và các thiết bị được bố trí thưa thớt hơn.

Shaul Elkana, quản lý của trung tâm thể thao YMCA Jerusalem, cho biết: "Số người tập tăng khá chậm. Hầu hết khách hàng trên 50 tuổi vì họ đã tiêm cả hai mũi vaccine Pfizer".

Lo ngại về vấn đề đạo đức

Bên cạnh những lợi ích, tấm thẻ xanh như của Israel cũng gây ra nhiều tranh cãi về khía cạnh đạo đức. Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng Anh nói giấy chứng nhận tiêm vaccine sẽ dẫn đến sự "phân biệt đối xử bất hợp pháp".

Trong khi đó, Hội đồng Đạo đức của Đức - cơ quan độc lập chuyên tư vấn cho chính phủ - lo ngại về "tâm lý khuỷu tay" khi giấy chứng nhận tiêm chủng được phổ biến. Nói dễ hiểu, tâm lý khuỷu tay là hành vi "gạt người khác sang một bên, không cần quan tâm tới họ".

 Ngoài những lợi ích, tấm thẻ xanh cũng bị chỉ trích vì có thể gây nên hiện tượng phân biệt đối xử.

Ngoài những lợi ích, tấm thẻ xanh cũng bị chỉ trích vì có thể gây nên hiện tượng phân biệt đối xử.

Điều này cũng giống như mối lo ngại của những người chưa được tiêm chủng ở Israel. Theo The Guardian, nhiều người dân Israel chưa tiêm vaccine lo sợ họ sẽ bị xa lánh. Họ cho rằng tấm thẻ xanh đang tạo ra sự phân cấp trong xã hội.

Ngoài ra, trong tuần trước, Quốc hội Israel cũng đã đồng ý cung cấp thông tin cá nhân của những người chưa tiêm chủng cho chính quyền địa phương. Đây là cách họ thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, theo Tamar Zandberg, một nhà lập pháp, hành động này là một sự "tuộc dốc không phanh" đối với quyền riêng tư.

Theo The Guardian, chính phủ Israel đang hành động thận trọng và cân nhắc tiềm năng thú vị nhất với những người sở hữu thẻ xanh: du lịch quốc tế mà không cần kiểm dịch. Được biết, nước này đã ký thỏa thuận với Hy Lạp và Đảo Síp để bắt đầu thử nghiệm từ mùa xuân. Anh và EU cũng đang xem xét kế hoạch tương tự.

Hoài Anh

Theo The Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-xanh-vaccine-covid-19-gay-tranh-cai-post1189228.html