Thêm một nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm tiếp

Tồn ngân quỹ Nhà nước hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Đó là thông tin được đề cập trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Tại báo cáo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT), điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của CSTT, tài khóa nới lỏng từ năm 2020; Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; Lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng và tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.

Trong khi đó, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.

Cụ thể: Thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm.

Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.

Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Theo WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, Moody's cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17%-là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

"Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/them-mot-nguyen-nhan-khien-lai-suat-kho-giam-tiep-1088727.html