Thêm nhiều nước phong tỏa trở lại vì đại dịch Covid-19

Tình hình đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới sau khi các kỷ lục mới về gia tăng số người mắc tiếp tục xuất hiện, cùng với đó là danh sách các quốc gia và thành phố phải tái áp đặt lệnh phong tỏa được nối dài. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét thư ngỏ của giới khoa học về khả năng virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí và được kêu gọi đưa ra những hướng dẫn mới…

Israel là một trong những quốc gia mới nhất buộc phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch Covid-19, bao gồm việc đóng cửa trở lại các quán rượu, câu lạc bộ đêm và các phòng tập. Phát biểu tại phiên họp nội các đặc biệt về cuộc khủng hoảng y tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng với số ca nhiễm tăng mạnh mỗi ngày. Do đó, Israel phải đảo ngược quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng có thể khiến nền kinh tế bị tê liệt, với tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên tới hơn 20%.

Còn tại Australia, chính quyền thành phố Melbourne thông báo sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa thành phố lớn nhất bang Victoria với hơn 5 triệu dân này trong 6 tuần từ nửa đêm 8-7, sau khi số ca mắc tại đây đang tăng nhanh trở lại. Bang Victoria của Australia ghi nhận số ca mắc mới là 191 ca trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Và lần đầu tiên trong 100 năm qua, nước này ngày 7-7 đã buộc phải đóng cửa biên giới vô thời hạn giữa hai bang đông dân nhất nước là Victoria và New South Wales.

 Các giới chức ở Melbourne (Australia) sẵn sàng ứng phó với đại dịch bùng phát. Ảnh: Getty Images

Các giới chức ở Melbourne (Australia) sẵn sàng ứng phó với đại dịch bùng phát. Ảnh: Getty Images

Còn tại châu Âu, ngày 6-7, Tây Ban Nha có thêm một thành phố nữa công bố tái phong tỏa vì lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Thành phố A Marina thuộc vùng Galicia với khoảng 70.000 dân của Tây Ban Nha phong tỏa từ ngày 5 đến 10-7, sau khi khoảng 200.000 cư dân ở khu vực phía tây Barcelona cũng được yêu cầu ở nhà để phòng dịch bệnh.

Trong khi đó, số liệu của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 7-7 cho biết, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 54.999 ca mắc mới, gần bằng mức cao nhất kể từ khi bùng dịch ghi nhận vài ngày trước đó; trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 357 ca. Với diễn biến dịch bệnh khó kiểm soát hiện nay, Mỹ bị các bác sĩ cảnh báo là đang “rơi tự do” vì đại dịch. Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ tháng 6 vừa qua, buộc chính quyền nhiều bang phải ngừng triển khai các kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO, ông Michale Ryan tiếp tục kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới không được buông lỏng cảnh giác: “Virus vẫn có thể lây lan mạnh ngay cả khi 20% dân số thế giới có kháng thể. Chúng ta thực sự phải gia tăng gấp đôi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh hiện nay, cần ngăn chặn dịch bệnh lây lan để giảm số ca mắc và tử vong do virus SARS-CoV-2”.

Ngoài ra, các chuyên gia WHO đang xem xét lại những đánh giá về con đường lây truyền của virus SARS-CoV-2. Trước đó, hơn 230 nhà khoa học đã kêu gọi WHO cập nhật lại hướng dẫn liên quan đến khả năng virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí. WHO tới nay vẫn cho rằng virus lây lan từ người sang người chủ yếu thông qua các giọt bắn từ mũi, miệng khi con người ho, hắt hơi hay nói chuyện. Bên cạnh đó còn có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với các bề mặt nhưng với tỷ lệ ít hơn. Tuy nhiên, trong thư gửi đến WHO, các nhà khoa học tại 32 nước khẳng định có chứng cứ cho thấy virus SARS-CoV-2 có trong những hạt nhỏ hơn giọt bắn ra từ đường hô hấp và tồn tại lâu trong không khí.

Bức thư này được đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases ngày 6-7. Trong đó, các tác giả lưu ý rằng nếu lây truyền qua không khí thực sự là một yếu tố lây lan đáng kể thì sẽ phải đưa ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, bao gồm đeo khẩu trang trong phòng. Thậm chí, họ khuyến cáo ngay khi đã duy trì giãn cách xã hội, các nhân viên y tế vẫn cần đeo khẩu trang đặc biệt có thể chặn được các hạt siêu nhỏ và sử dụng hệ thống thông gió ở những nơi công cộng, cũng như loại đèn cực tím có khả năng tiêu diệt các phần tử virus.

Tuy nhiên, bất cứ thay đổi nào trong đánh giá của WHO về nguy cơ lây lan đại dịch đều có thể ảnh hưởng đến khuyến nghị giữ khoảng cách vật lý an toàn tối thiểu 1m trong phòng ngừa dịch bệnh. Chính phủ các nước, vốn đưa ra các quy định về giãn cách xã hội dựa trên khuyến nghị của WHO, cũng có thể sẽ phải điều chỉnh các biện pháp kiểm soát y tế cộng đồng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới của Viện Sức khỏe Carlos III tại Madrid (Tây Ban Nha) đăng trên Tạp chí Lancet ngày 6-7 khẳng định, hiện tại, miễn dịch cộng đồng là rất khó để đạt được mà không phải chứng kiến nhiều người dân chết đi và gánh nặng đè lên hệ thống y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghiên cứu này đã đập tan hy vọng khả năng miễn dịch cộng đồng có thể là một biện pháp chống lại đại dịch Covid-19 đang ngày càng khó kiểm sát trên thế giới.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/them-nhieu-nuoc-phong-toa-tro-lai-vi-dai-dich-covid-19-626365