Thí điểm cân tải trọng xe tự động trên quốc lộ 5

Bắt đầu từ ngày 15-8 vừa qua, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN) chính thức đưa hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động hiện đại nhất Việt Nam vào hoạt động thí điểm trên quốc lộ 5. Hệ thống thiết bị này do Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ, Công ty TNHH TANAKA Scale VIET NAM.Co., Ltd trực tiếp sản xuất và lắp đặt tại km78+830 (chiều Hải Phòng - Hà Nội, phía bên trái).

Bắt đầu từ ngày 15-8 vừa qua, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN) chính thức đưa hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động hiện đại nhất Việt Nam vào hoạt động thí điểm trên quốc lộ 5. Hệ thống thiết bị này do Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ, Công ty TNHH TANAKA Scale VIET NAM.Co., Ltd trực tiếp sản xuất và lắp đặt tại km78+830 (chiều Hải Phòng - Hà Nội, phía bên trái).

Theo Tổng cục trưởng ÐBVN Nguyễn Văn Huyện, hệ thống cân tải trọng xe tự động này hình thành trên sự kết hợp giữa công nghệ cân trọng tải của Nhật Bản và phần mềm tính toán của Tổng cục ÐBVN. Nếu như các loại hình cân tải trọng cũ phải cần đến lực lượng thanh tra thường xuyên túc trực giám sát, đo lường thành thùng, khối lượng xe một cách thủ công, thì hệ thống cân điện tử do JICA tài trợ vừa được lắp đặt trên quốc lộ 5 có ưu điểm không cần lực lượng túc trực tại chỗ. Với hệ thống ca-mê-ra chuyên dụng, tích hợp thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường, thiết bị cân sẽ tự động chụp lại biển kiểm soát của tất cả các xe đi qua, lọc ra các xe tải và lập tức đọc ra 15 thông tin của xe như: tên chủ xe, khối lượng bản thân của xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng,… Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích thông số: xe nặng bao nhiêu tấn, tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không; vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu %,... một cách công khai, minh bạch, không có sự can thiệp của con người. Nhờ công nghệ hiện đại, hệ thống cân điện tử này cũng có thể cân tải trọng khi xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80 km/giờ, và chỉ mất từ 3 đến 10 giây, phiếu cân đã có thể được in ra. Với sự phân tích, phát hiện nhanh chóng của hệ thống cân tự động, cộng với thiết bị giám sát hành trình, các cơ quan quản lý từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) địa phương, lực lượng công an, Tổng cục ÐBVN đều có thể giám sát và xử lý vi phạm. “Qua thời gian lắp đặt và thí điểm ban đầu cho thấy, tình trạng xe quá tải trên tuyến quốc lộ 5 đã giảm rõ rệt, trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến được bảo đảm. Thời gian tới, Tổng cục ÐBVN sẽ kiến nghị Bộ GTVT lắp đặt hệ thống cân tự động này trên một số tuyến quan trọng như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Thăng Long”, ông Huyện đề xuất.

Tổng cục ÐBVN cũng yêu cầu Sở GTVT Hải Phòng chỉ đạo Thanh tra Sở, Cục Quản lý đường bộ I chỉ đạo công chức thanh tra phối hợp thực hiện theo kết luận của Tổng cục trưởng ÐBVN về tiến độ thực hiện các thủ tục đưa bộ cân tải trọng xe cố định vào hoạt động. Phó Vụ trưởng ATGT (Tổng cục ÐBVN) Ðặng Văn Chung cho biết, các xe ô-tô vi phạm về tải trọng được phát hiện bằng bộ cân này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Kết quả đo tải trọng cũng sẽ được sử dụng để xử phạt vi phạm khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm. Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng được giao tổng hợp, gửi thông báo vi phạm đến các chủ phương tiện vi phạm tải trọng. Ðơn vị không chấp hành sẽ bị lưu vào hồ sơ cảnh báo của hệ thống đăng kiểm Việt Nam. “Quá trình thử nghiệm thời gian qua cho thấy, hầu hết mã cân có sai số bằng 0. Sai số lớn nhất chỉ khoảng 5 đến 6% (đăng kiểm cho phép sai số đến 10%)”, ông Ðặng Văn Chung đánh giá. Tổng cục ÐBVN cũng đề nghị Công ty Tanaka tạo điều kiện bố trí kỹ thuật viên phối hợp, hỗ trợ bộ phận vận hành, khai thác thiết bị cân của Cục Quản lý đường bộ I bảo đảm bộ cân hoạt động liên tục, ổn định trong thời gian hoạt động thí điểm.

Thời gian gần đây, tình trạng xe quá tải có nguy cơ bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp trên phạm vi địa bàn cả nước, nhất là trên một số tuyến trọng điểm như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, quốc lộ 5; các tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Quảng Ninh - Hải Phòng,... Tình trạng này đang gây bức xúc trong dư luận, làm mất ATGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng. Ðể chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng này, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Ðăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới kiên quyết không cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật cho phương tiện sai kích thước thùng hàng, công khai danh sách xe vi phạm, tái vi phạm về kích thước thành thùng xe. Ông Ðặng Văn Chung cho biết, 14 ngày đầu tháng 8 vừa qua, tỷ lệ xe vi phạm qua trạm chiếm khoảng 6,4%, nhưng chỉ ba ngày đầu tiến hành cân tải trọng xe tự động, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 0,3% (giảm 21 lần) và không có phương tiện nào vi phạm mức từ 30% trở lên.

Trong sáu tháng đầu năm 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 52 nghìn xe, trong đó gần 6.000 xe vi phạm chở quá tải. Lực lượng chức năng đã tước 1.959 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 61,34 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng công an xử lý gần 54 nghìn trường hợp vi phạm chở quá trọng tải hàng hóa.

(Nguồn: Ủy ban ATGT quốc gia)

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/thi-diem-can-tai-trong-xe-tu-dong-tren-quoc-lo-5-613963/