Thi đua lao động sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi cao nhất

Những ngày này, không khí thi đua lao động sản xuất chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh đang diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương. Trên các cánh đồng, bà con nông dân hăng say lao động, chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông và khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng sản xuất vụ Xuân, quyết tâm hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Các thành viên HTX Thương mại dịch vụ rau an toàn Ba Cây, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) thu hoạch khoai tây trong vụ Đông 2021.Ảnh: Thế Hùng

Các thành viên HTX Thương mại dịch vụ rau an toàn Ba Cây, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) thu hoạch khoai tây trong vụ Đông 2021.Ảnh: Thế Hùng

Có mặt trên cánh đồng từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ rau an toàn Ba Cây (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên) đang trực tiếp chỉ đạo các thành viên, lao động thời vụ tích cực chăm sóc gần 100 ha khoai tây, bí đỏ, bắp cải, su sào được gieo trồng trong vụ Đông này.

Anh Nam chia sẻ: "Thời tiết đầu vụ khá khắc nghiệt, khi mới xuống giống, gieo trồng các loại bí đỏ, su hào, bắp cải thì gặp các trận mưa to, kéo dài nhiều ngày làm cho nhiều diện tích bị chết, bật gốc…

Bên cạnh đó, giá phân bón liên tục tăng cao khiến cho bà con nông dân như chúng tôi chồng chất khó khăn. Ngoài việc huy động nhân lực để tiêu úng, các thành viên HTX phải tiến hành trồng dặm thay thế các diện tích bị chết, bón phân để cây phục hồi.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình VietGap, thời điểm này, nhiều diện tích trồng su hào, bắp cải đã bắt đầu cho thu hoạch và dự kiến các loại cây trồng bí đỏ, khoai tây sẽ kịp cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới".

Tích cực chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn cho đàn lợn; tăng thêm đèn sưởi ấm; che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt gió lùa; thường xuyên rắc vôi bột xung quanh lối ra, vào chuồng trại... là việc làm thường xuyên của đội ngũ công nhân tại trang trại chăn nuôi lợn của chị Chu Thị Hồng (xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường).

Chị Hồng cho biết, trang trại hiện nuôi gần 40 con lợn nái, hơn 300 lợn thịt. Những ngày này, về đêm nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi; đồng thời, dịch Tả lợn châu Phi đang tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nên việc bảo vệ an toàn cho đàn lợn, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập là yếu tố tiên quyết đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn như gia đình chị bởi vốn đầu tư rất lớn.

Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn của trang trại nhà chị Hồng vẫn khỏe mạnh, chờ xuất bán trong dịp Tết.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, trên khắp các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc, thu hoạch một số loại cây trồng vụ Đông; tiến hành cày ải, phơi đất, chuẩn bị giống, phân bón phục vụ cho sản xuất vụ Xuân đảm bảo đúng khung thời vụ.

Ông Đặng Xuân Trường, cán bộ nông nghiệp xã Vũ Di (Vĩnh Tường) phấn khởi chia sẻ: Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như sử dụng các giống lúa mới chất lượng cao, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái, xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học..., năng suất các loại cây trồng, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp tăng lên, đồng thời, giảm thiểu nguy hại tới sức khỏe trong quá trình canh tác, bà con yên tâm gắn bó với đồng ruộng.

Qua đó, góp phần đáp ứng các tiêu chí về: Thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.

Phát huy truyền thống của quê hương “Khoán hộ”, đi đầu về các chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Tiêu biểu trong số đó phải kể Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.

Đây được coi là Nghị quyết của “ý Đảng – lòng dân”, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết số 26 và là tiền đề để tỉnh thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt kết quả cao.

Tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết này bằng các cơ chế, chính sách như: Miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ làm giao thông nông thôn; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hóa kênh mương...

Đồng thời, thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ "chiều rộng" sang "chiều sâu", tỉnh chủ trương tiếp tục dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành các cánh đồng mẫu lớn, nâng cao năng suất các loại cây trồng.

Áp dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi với việc đưa giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Đến nay, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng như: Thiên ưu 8, TBR 225, HT1, DQ11... được đưa vào sản xuất đã đưa năng suất lúa từ hơn 34 tạ/ha (năm 1997) lên gần 60 tạ/ha (năm 2021); tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng từ hơn 22 nghìn tấn (năm 1997) lên hơn 119 nghìn tấn (năm 2021)..., góp phần ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân nội tỉnh và các địa phương lân cận.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi của một mùa Xuân mới sắp đến, chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, bà con nông dân tại các địa phương hồ hởi bắt tay chuẩn bị vào vụ sản xuất mới với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71880/thi-dua-lao-dong-san-xuat-quyet-tam-gianh-thang-loi-cao-nhat.html