Thí sinh bật xa, hát múa, giành suất vào đại học
Hơn 3.200 thí sinh trổ tài các môn năng khiếu như hát, thẩm âm, kể chuyện, bật xa... trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Sư phạm Hà Nội.

Rạng sáng 5/7, Nguyễn Lệ Hằng, học sinh tại huyện Ba Vì (cũ) - Hà Nội, đã có mặt ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường, hôm nay, nữ sinh sẽ thi năng khiếu để xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội. “Sau khi thi tốt nghiệp THPT, em mới bắt đầu ôn năng khiếu. Thời gian không nhiều nên em chỉ kịp học hát 2 buổi, còn lại là tự ôn. Em đặt mục tiêu sẽ đạt 9 điểm năng khiếu để xét kết hợp với điểm Ngữ văn và Toán”, Hằng chia sẻ.

Cũng thi năng khiếu vào ngành Giáo dục mầm non của Sư phạm Hà Nội, từ hôm 3/4, Sùng Thị Bầu (bên trái) và Giàng Thị Cúc đã di chuyển từ Điện Biên xuống Hà Nội để chuẩn bị. Ngoài phần thi hát, hai nữ sinh còn phải thể hiện khả năng kể chuyện và đọc diễn cảm.

Để tạo sự hài hòa và phù hợp với nội dung thi năng khiếu, Dương Thị Tân (Hà Nội) cũng khéo léo chọn trang phục truyền thống dân tộc. Tân cho biết em sẽ thể hiện bài Niềm vui của em - nói về niềm vui của bạn nhỏ vùng núi cao khi đến trường. Để phần thi thêm hấp dẫn và sinh động, nữ sinh sẽ thể hiện một số động tác múa minh họa. Xét kết hợp với môn Toán và Ngữ văn, Tân kỳ vọng đạt 8-9 điểm môn năng khiếu này.

Năm nay, Đại học Sư phạm Hà Nội có 4 ngành xét tuyển sử dụng kết quả môn năng khiếu, gồm Sư phạm Âm nhạc (90 chỉ tiêu), Sư phạm Mỹ thuật (80 chỉ tiêu), Giáo dục Mầm non (150 chỉ tiêu), Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh (50 chỉ tiêu), Giáo dục thể chất (90 chỉ tiêu).

Cả 5 ngành này có tổng cộng 3.200 thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu, tăng khoảng 1.000 em so với năm ngoái. Trong đó, ngành Giáo dục Mầm non/Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất, lên tới hơn 1.600 em.

Với những thí sinh dự thi năng khiếu, Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ xét tuyển theo tổ hợp 3 môn, bao gồm 1-2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán/Ngữ Văn/Tiếng Anh) và môn năng khiếu. Các bài thi năng khiếu được đánh giá theo thang điểm tương đương với thang điểm 10 của bài thi tốt nghiệp.

Thi Kể chuyện và đọc diễn cảm đầu tiên, sự hồi hộp tỏ rõ trên khuôn mặt của em Đỗ Thu Huyền (học sinh tại tỉnh Ninh Bình). Em tìm một góc yên tĩnh ở hành lang để giữ bình tĩnh và rà lại các kỹ năng. “Với môn thi này, em không được biết trước đề, thay vào đó là bốc thăm ngẫu nhiên một câu chuyện có độ dài khoảng 1 trang A4. Em sẽ học thuộc trong vòng 10 phút và sau đó kể lại với giám khảo”, Huyền cho biết các chủ đề sẽ thường liên quan đến trẻ em. Dù đã tập rượt trước ở nhà, song nữ sinh vẫn khá lo lắng.

Trong khi đó, ở sân vận động, hàng trăm học sinh cũng đang chuẩn bị bước vào phần thi Bật xa để xét tuyển vào ngành Giáo dục thể chất. Nhiều em tỏ ra hồi hộp vì chỉ được thi hai lần.

Nguyễn Minh Dương, học sinh trường THPT Chí Linh (Hải Phòng), tranh thủ khởi động trước khi vào phần thi của mình. Trước đó, em đã tham gia Hội khỏe phù đổng toàn quốc và giành giải ba môn Điền kinh, được ưu tiên xét tuyển vào trường. Song, Dương vẫn đăng ký thi năng khiếu để tăng cơ hội đỗ.

Thông thường, khi luyện tập, Dương đạt khoảng 2,75 m bật xa và chạy 100 m trong khoảng 11 giây. Nếu duy trì thành tích này trong buổi thi hôm nay, nam sinh dự kiến sẽ được 9-10 điểm mỗi môn, cộng với khoảng 6 điểm Ngữ văn thi tốt nghiệp để xét tuyển vào trường.

Trong khi đó, hoàn thành phần thi Bật xa của mình, Dương Hải Lệ (học sinh trường Hữu Nghị T78, Hà Nội) có phần lo lắng bởi không đạt được như kỳ vọng. Bình thường ở nhà, em bật xa được khoảng 2,1 m, nhưng hôm nay chỉ được khoảng 1,9 m. Vì vậy, buổi thi Chạy 100 m ngày mai, em phải cố gắng hơn, giữ vững phong độ hoàn thành trong khoảng 19 giây.

Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ thông báo kết quả trước 17h ngày 10/7 và không tổ chức phúc khảo. Theo quy chế, những thí sinh thuộc nhóm 5% thí sinh đạt kết quả thi năng khiếu cao nhất sẽ được ưu tiên xét tuyển theo phương thức 2 (xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội) vào các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật.