Thí sinh 'Chuông vàng vọng cổ' lần thứ 20 giao lưu với chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 167
Chương trình giao lưu đầy cảm xúc giữa 16 thí sinh 'Chuông Vàng vọng cổ 2025' với chiến sĩ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân

Các thí sinh "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ 20 - năm 2025 và các chiến sĩ hải quân
Ngày 20-7, trong không gian ấm áp của Hội trường Lữ đoàn 167 – Vùng 2 Hải quân, chương trình Giao lưu cùng chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã diễn ra thật sinh động. 16 thí sinh vào vòng tuyển chọn của cuộc thi "Chuông Vàng vọng cổ" lần thứ XX – năm 2025 đã có buổi giao lưu nghệ thuật và cảm xúc đáng nhớ cùng các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.Ông Trần Hiền Phương – Phó Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM - nói: "Đây là cuộc trải nghiệm đáng quý không đơn thuần là một buổi biểu diễn, đó là cuộc gặp gỡ giữa hai thế hệ, hai tuyến đầu – người trẻ giữ gìn truyền thống nghệ thuật và người lính gìn giữ biên cương".
Chuông vàng vọng cổ: Lời ca thắp sáng lòng yêu nước
Mở đầu chương trình là tiết mục "Đất nước trọn niềm vui" do tốp ca chiến sĩ Tàu 380 biểu diễn, mang đến không khí hào hùng, tự hào như chính tinh thần của những người lính biển giữa thời bình.
Ngay sau đó các thí sinh "Chuông Vàng vọng cổ" mang đến những trích đoạn nổi bật, đậm chất Nam bộ như: "Tây Sơn bước chân hào kiệt" (Nguyễn Phú Yên và Lâm Thị Thùy Linh), "Tình chàng ý thiếp" (Nguyễn Thanh Nhớ, Nguyễn Thị Mỹ Duyên) – những tiết mục đã phô diễn giọng ca, thể hiện chiều sâu văn hóa và cảm xúc dạt dào từ bài vọng cổ.

Các chiến sĩ Tàu 380 hát ca khúc "Đất nước trọn niềm vui"
Điều đặc biệt là những giọng ca trẻ vào vòng Tuyển chọn lần này đã mang theo đam mê và lòng biết ơn để hát cho những người lính biển – những người mà họ chưa từng gặp nhưng luôn kính phục từ trong tim. Với các thí sinh, đây là dịp quý giá để được nhìn thấy, chạm vào hiện thực cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, và để hiểu rằng bài vọng cổ đã vang xa chạm đến trái tim người chiến sĩ.
Chuông vàng vọng cổ: Nơi nghệ thuật là sức mạnh
Giữa những cuộc tuần tra dài ngày, giữa những đêm trắng trực chiến, các chiến sĩ Hải quân vẫn tìm thấy sự bình yên trong những câu vọng cổ. Chính họ chia sẻ: "Nghe cải lương là nhớ nhà, là thấy quê hương, là tiếp thêm động lực vượt qua mọi thử thách." Một chiến sĩ xung phong thể hiện một câu vọng cổ khiến cả hội trường xúc động, dù anh là người miền Trung, chưa biết rành về nhịp, câu ca có chỗ còn bị "đâm hơi" nhưng lại là niềm đam mê dành cho bài vọng cổ.

Chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 167 giao lưu với các thí sinh "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ 20 - năm 2025
Cuộc trò chuyện ngắn giữa chiến sĩ và thí sinh, những màn giao lưu hỏi – đáp và cả phần đố vui với kiến thức về biển đảo, về cuộc thi "Chuông Vàng vọng cổ" đã khiến khoảng cách giữa "nghệ sĩ tương lai" và "người lính biển" xích lại gần hơn. Họ không còn là người của hai thế giới, mà là đồng đội trên cùng một hành trình giữ gìn hồn Việt.
Nối nhịp văn hóa – Nối vòng tay đất nước
Trong chương trình, đại diện nhà tài trợ SAIGONBANK và Đài Truyền hình TP HCM đã trao những phần quà lưu niệm như sự tri ân sâu sắc đến Lữ đoàn 167.
Nhưng có lẽ, món quà lớn nhất chính là sự hiện diện, tình cảm và tiếng hát của 16 thí sinh – những đại diện trẻ cho cuộc hành trình 20 năm của cuộc thi ý nghĩa này.

Các thí sinh "Chuông vàng vọng cổ" lần thứ 20 - năm 2025 tham quan Lữ đoàn 167
Buổi giao lưu khép lại bằng một bức ảnh lưu niệm tập thể rạng rỡ và ca khúc "Nối vòng tay lớn", nhưng dư âm thì còn mãi. Các thí sinh tiếp tục được tham quan khu sinh hoạt, lao động – nơi các chiến sĩ trồng cây, chăn nuôi, rèn luyện – và cùng nhau hô vang: "Chúc cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ thành công tốt đẹp!" – lời chúc từ nơi đầu sóng, như một cái bắt tay thầm lặng mà bền chặt giữa nghệ thuật và biên cương.
Chuông vàng vọng cổ vọng giữa trùng khơi
20 mùa "Chuông Vàng vọng cổ" đã đi qua, nhưng lần giao lưu năm nay là một dấu ấn đặc biệt: lần đầu tiên, nhịp điệu cải lương vang lên giữa quân cảng của Lữ đoàn 167 – nơi biên cương chỉ có sóng gió, nay chở nặng nghĩa tình khi HTV mang tiếng hát quê hương đến với lính biển xa nhà.

Tiết mục Tây Sơn bước chân hào kiệt" do Nguyễn Phú Yên và Lâm Thị Thùy Linh biểu diễn
Chương trình trải nghiệm đầu tiên này đã giúp cho cuộc thi thể hiện trách nhiệm xã hội, khẳng định văn hóa truyền thống hoàn toàn có thể trở thành một phần của đời sống đương đại, len vào trái tim những người lính, và góp phần bồi đắp bản sắc, lý tưởng và niềm tự hào dân tộc. "Chuông Vàng vọng cổ" đã ngân vang từ sân khấu HTV đến mọi miền đất nước. Và từ nơi đó, một tình yêu mới cho bài vọng cổ được gieo vào lòng các chiến sĩ để họ vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.
Thí sinh Lâm Nhật Đăng và Phạm Văn Tấn đã gửi tặng các chiến sĩ hai tiết mục văn nghệ bất ngờ, gây xúc động bởi giọng ca mang niềm tự hào, kiêu hãnh của người chiến sĩ hải quân.
Một số hình ảnh của chương trình giao lưu ý nghĩa:

Các thí sinh tham quan vườn rau do chiến sĩ Lữ đoàn 167 trồng

Thí sinh Lâm Nhật Đặng ca vọng cổ ngẫu hứng tặng các chiến sĩ hải quân

Tiết mục "Tình chàng ý thiếp" do Nguyễn Thanh Nhớ, Nguyễn Thị Mỹ Duyên biểu diễn