Thí sinh là F0 ở TP.HCM: 'Em đã đỗ đại học'

Ngọc Huyền cho biết sự lạc quan, niềm tin vào y, bác sĩ và lời động viên của mọi người đã giúp em vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong những ngày điều trị Covid-19.

Ngày 7/7, Hà Thị Ngọc Huyền (18 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), cựu học sinh trường THPT Long Trường, đang làm bài thi tốt nghiệp thì thấy mình có triệu chứng sốt, đau họng, khó thở nhẹ.

Em nhanh chóng xin phép hội đồng thi được làm bài môn Ngữ văn và Toán tại phòng riêng để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Đến sáng hôm sau, dù khá mệt Huyền vẫn cố gắng hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Sau đó, em được xét nghiệm nhanh và nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Khi nghe thông báo, nữ sinh khá hoảng loạn và bật khóc ngay tại điểm thi vì không biết nguồn lây từ đâu, sợ ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Huyền cho biết từ lúc dịch bùng phát trở lại, em luôn chú tâm vào việc ôn tập và hầu như không ra ngoài trừ hôm 3/7 đi lấy mẫu do nhà trường quy định.

Khoảng 45 phút sau, Huyền được xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) và phải bỏ dở môn tiếng Anh vào buổi chiều.

23 ngày chiến đấu với Covid-19

Vì quy chế thi cấm mang thiết bị điện tử nên lúc đó Huyền phải mượn điện thoại để gọi về cho người thân. Khi được đưa đến nơi điều trị, cô gái chỉ cầm theo giấy báo dự thi, bút viết, Atlat địa lý và đề môn Giáo dục Công dân.

Khu nhà bị phong tỏa, gia đình nữ sinh nằm trong diện F1 nên đành phải nhờ bạn bè mang hành lý đến cho Huyền.

“Ngày đầu tiên đến đây, em rất buồn và thất vọng, chỉ biết lật Atlat xem rồi lại khóc. Hơn hết, em lo mình không được tốt nghiệp vì thiếu điểm một môn. Nhờ chủ động thi phòng riêng từ đầu và thu hẹp diện tích tiếp xúc nên bạn bè, thầy cô và người thân đều không bị nhiễm. Đó là niềm an ủi lớn nhất đối với em”, cô gái 18 chia sẻ với Zing.

Ngọc Huyền điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3.

Ngọc Huyền điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3.

Huyền được sắp xếp ở tầng 12, khu dành cho những bệnh nhân có tiên lượng nhẹ, trẻ tuổi và có sức đề kháng tốt.

3 ngày sau khi trở thành F0, các triệu chứng của Huyền chuyển nặng, ho nhiều hơn và mất khứu giác hoàn toàn.

Ngày thứ 8, em được test PCR và tiếp tục nhận kết quả dương tính.

Lần đầu tiên sống xa gia đình một thời gian dài, Huyền phải học cách tự chăm sóc bản thân từ chuyện ăn uống, dọn dẹp đến giặt giũ quần áo.

Cuộc sống ở bệnh viện dã chiến hơi buồn tẻ vì các lịch trình trong ngày gần như lặp lại.

Vì vậy, em cố gắng tập thể dục, hoạt động liên tục, phần nào giúp bản thân lạc quan hơn, giữ vững tinh thần.

Ngoài ra, em cũng thường xuyên gọi điện cho người nhà, thầy cô và bạn bè để mọi người yên tâm.

Ở nơi điều trị, Huyền làm quen được nhiều bạn mới. Mỗi người khi đến đây đều có một hoàn cảnh riêng nên dễ cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Những lần tâm sự của cả phòng thường xoay quanh về gia đình, công việc và mong muốn cá nhân.

“Em hay kể về ước mơ trở thành luật sư và được các chị tư vấn nhiều về kinh nghiệm thời sinh viên. Dần dần mọi người thân nhau lắm, san sẻ niềm vui, nỗi buồn, còn hẹn nhau hết dịch đi ăn đồ nướng”.

Hàng ngày, các bệnh nhân được bác sĩ phát thuốc và thăm khám thường xuyên. Bên cạnh đó, mỗi phòng sẽ bầu một đại diện để báo cáo tình hình sức khỏe của các thành viên.

Cô gái sinh năm 2003 cho biết em may mắn vì gặp được nhiều người tốt ngay từ những ngày đầu tiên. Chứng kiến sự kiên cường, tận tâm vì bệnh nhân của các y, bác sĩ, tình nguyện viên, Huyền cảm thấy ấm lòng, vững tin hơn trong hành trình điều trị Covid-19.

Giữ sự lạc quan

Ngày 1/8, sau khi xét nghiệm âm tính với virus, Huyền được bác sĩ cho xuất viện, tự cách ly thêm tại nhà 14 ngày.

Nghe tin em hồi phục, mẹ Huyền nấu một bữa ăn thịnh soạn để mừng con gái trở về. Hiện nữ sinh vẫn phải giữ khoảng cách và tránh tiếp xúc với gia đình để đảm bảo an toàn.

23 ngày ở Bệnh viện dã chiến số 3, kỷ niệm mà Huyền nhớ nhất là tối 26/7, cả tòa nhà được tham dự buổi biểu diễn saxophone đặc biệt của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Vì ở tầng 12 nên cô nàng chỉ có thể cùng mọi người bật đèn LED để hòa theo giai điệu.

Dù bị mất khứu giác, nữ sinh vẫn ăn uống điều độ, nghe theo lời dặn của bác sĩ để mau khỏi bệnh.

Dù bị mất khứu giác, nữ sinh vẫn ăn uống điều độ, nghe theo lời dặn của bác sĩ để mau khỏi bệnh.

Về kỳ thi THPT quốc gia, Huyền được đặc cách tốt nghiệp và dùng kết quả học bạ để xét tuyển vào ngành Luật kinh tế của ĐH Công nghiệp TP.HCM.

“Hơi buồn một chút vì em ôn luyện rất nhiều nhưng cuối cùng lại vụt mất cơ hội thi vào ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, trong 'cái rủi có cái may', em sẽ tiếp tục nỗ lực cho chặng đường sắp tới. Mong muốn của em là trở thành một luật sư giỏi”, nữ sinh bày tỏ.

Cô gái 18 tuổi cho hay nếu được trở lại ngày nhận thông báo dương tính với SARS-CoV-2, em sẽ cố gắng xử lý tình huống tốt hơn, bình tĩnh và giữ tinh thần lạc quan.

“Đi điều trị trong hoàn cảnh éo le, nhưng qua đó em cũng học được nhiều điều cho bản thân và có những kỷ niệm khó quên. Dù đã hồi phục, em vẫn duy trì kế hoạch sinh hoạt, ăn ngủ nghỉ khoa học, tập thể dục điều độ để tăng sức đề kháng”.

Phương Thảo

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-sinh-la-f0-o-tphcm-em-da-do-dai-hoc-post1246607.html