Thị trấn của Liên Xô từng biến mất khỏi mặt đất chỉ trong vài phút

Đối với thị trấn Severo-Kurilsk có dân số 6.000 người, ngày hôm đó đã trở thành ngày tận thế. Tuy nhiên, những người dân còn lại của Liên Xô lúc bấy giờ không hay biết gì về thảm kịch xảy ra.

Sáng sớm ngày 5-11-1952, cư dân thị trấn Severo-Kurilsk (tỉnh Sakhalin, vùng Viễn Đông của Nga) bị đánh thức bởi những chấn động mạnh. Tường nhà nứt toác, trần thạch cao rơi xuống, đèn chùm kêu loảng xoảng, bát đĩa, sách báo và tranh ảnh rơi xuống sàn. Mọi người nhảy khỏi giường và lao ra đường trong trạng thái hoảng sợ. Họ cứ nghĩ núi lửa phun trào, bởi trên đảo Paramushir ở Thái Bình Dương, nơi tọa lạc thị trấn Severo-Kurilsk, có 23 ngọn núi lửa và 5 trong số đó được cho là đang hoạt động. Ngọn gần nhất là Ebeko chỉ nằm cách đó 7km và thường xuyên xảy ra phát thải núi lửa. Thế nhưng, những ngọn núi lửa sáng hôm đó vẫn tiếp tục ngủ yên.

 Một ngôi nhà ở thị trấn Severo-Kurilsk bị sóng thần tàn phá. Ảnh: Katerina Rusnak/Getty Images.

Một ngôi nhà ở thị trấn Severo-Kurilsk bị sóng thần tàn phá. Ảnh: Katerina Rusnak/Getty Images.

 Đảo Paramushir ở vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: NASA.

Đảo Paramushir ở vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: NASA.

Đợtsóng đầutiên

Trận động đất mạnh 8,3 độ Richter được gây ra bởi những cơn địa chấn ở Thái Bình Dương. Tâm chấn nằm dưới đáy đại dương ở độ sâu 30km, cách bờ biển 200km. Dư chấn tiếp tục diễn ra trong nửa giờ đồng hồ nữa, và trong khoảng thời gian này, 700km bờ biển từ bán đảo Kronotsky đến quần đảo Bắc Kuril bị bao trùm bởi sự tàn phá.

Những thiệt hại là nhìn thấy rõ, nhưng chưa đến mức thảm họa. Không ai bị thương vong. Về sau, trong báo cáo của mình về sự việc, người đứng đầu Sở cảnh sát Bắc Kuril P.M. Deryabin viết: “Trên đường đến Sở cảnh sát khu vực, tôi bắt gặp những vết nứt trên mặt đất rộng từ 5cm đến 20cm. Đến nơi, tôi nhìn thấy tòa nhà đã bị trận động đất phá vỡ làm đôi, những cái bếp lò bị đổ nát”.

Đến lúc đó, những dư chấn có thể cảm nhận được không còn nữa, thời tiết rất yên ắng. Nhưng ngay sau đó, sự yên lặng bị gián đoạn bởi tiếng ồn lớn và tiếng ầm ầm từ phía biển, khoảng cách từ biển đến Sở cảnh sát chỉ chừng 150m. “Nhìn ra sau, chúng tôi thấy một bức tường nước lớn tiến từ biển lên đảo. Tôi ra lệnh nổ súng bằng vũ khí cá nhân và hét lên: “Nước ập tới!”, đồng thời chạy lên đồi”, người đứng đầu Sở cảnh sát Bắc Kuril P.M. Deryabin viết.

Khi đó không phải ai cũng nghe rõ chúng tôi đang nói đến việc nước ập tới. Có người nghĩ rằng, mọi người đang hét lên “chiến tranh”, chứ không phải “nước”, và khi sóng đánh vào hòn đảo, thì họ mới cho là hòn đảo đã bị tấn công. Mọi người bỏ chạy. Sóng không quá cao, chỉ chừng hơn 1m. Đợt sóng đầu tiên đã gây ngập và phá hủy những ngôi nhà nằm sát bờ biển. Sau 10-15 phút, nước bắt đầu rút, nhiều người về nhà thu dọn những thứ còn sót lại.

Cảnh tượng bị phá hủy sau trận sóng thần ở thị trấn Severo-Kurilsk. Ảnh: Viện Hải dương học P.P. Shirshov.

Cảnh tượng bị phá hủy sau trận sóng thần ở thị trấn Severo-Kurilsk. Ảnh: Viện Hải dương học P.P. Shirshov.

 Thị trấn Severo-Kurilsk ngày nay. Ảnh Viktor Marozov (CC BY-SA 2.5)

Thị trấn Severo-Kurilsk ngày nay. Ảnh Viktor Marozov (CC BY-SA 2.5)

Kết cục buồn

Sau khi nước rút, đợt sóng thứ hai từ đại dương tấn công thị trấn với con sóng hủy diệt cao 10m. Không gặp nhiều lực cản trên đường đi, do đợt sóng đầu tiên đã cuốn đi phần lớn chướng ngại vật, con sóng lần này di chuyển với tốc độ lớn vào sâu trong hòn đảo.

Sáng hôm đó, ngoài thị trấn Severo-Kurilsk, con sóng lớn đã bao trùm cả vịnh Mussel ở khu vực đảo Onekotan (cao 9,5-10m), cũng như vịnh Piratkov (cao 10-15m) và Olga (cao 10-13m) ở Kamchatka. Nhưng Severo-Kurilsk mới là nạn nhân chính của đợt sóng: Trong vài phút, toàn bộ thị trấn với dân số 6.000 người đã bị phá hủy.

Sau đó là đợt sóng thứ ba. Dù yếu hơn lần thứ hai, nhưng nó thực hiện nốt việc phá hủy và mang xuống biển hầu như tất cả mọi thứ từ trên bờ.

“Trong chừng 20-30 phút (khoảng thời gian xảy ra hai đợt sóng gần như đồng thời với cường độ cực lớn), ở thị trấn đã phát ra tiếng ồn khủng khiếp do nước sôi sùng sục và các tòa nhà đổ sập. Nhà cửa và mái nhà bị hất văng ra ngoài khơi như những chiếc bao diêm”, người đứng đầu Sở cảnh sát nhớ lại.

Sau đó, trong nhật ký của mình, Trạm trưởng Trạm núi lửa Kamchatka thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, ông B.I. Piip viết: “Một phần nhỏ diện tích thị trấn nằm trên khu vực ruộng bậc thang vẫn còn nguyên vẹn, các trạm điện đài vẫn còn. Nhà đài liên tục phát tín hiệu khẩn cấp SOS, nhưng trục trặc thế nào mà không hiểu gì”. Trong khi đó, tại Liên Xô lúc này không có cơ quan cảnh báo sóng thần.

Sau thảm họa, Trạm trưởng B.I. Piip đã thực hiện một chuyến đi dọc theo đường bờ biển để đo độ cao của sóng thần cho một ủy ban đặc biệt. Lúc này, ông đã được nghe kể lại những câu chuyện bi thảm. Chẳng hạn, có 2 thủy thủ mặc quần đùi và áo lót sọc vằn xanh đã dầm mình dưới nước, bám vào đống đổ nát của một ngôi nhà từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Khi được cứu lên bờ, một người đã chết, trong khi người còn lại vẫn sống. Sóng biển quăng quật thi thể những người chết lâu ngày lên rải rác trên bờ.

Thảm kịch ít ai biết đến

Chiếc máy bay bay đến đảo Paramushir vào sáng sớm đã phát hiện thị trấn Severo-Kurilsk bị cuốn trôi, khắp eo biển trôi đầy những mảnh vỡ của nhà cửa, những khúc gỗ và thùng phuy với nhiều người còn sống sót bám trên đó. Cảnh báo sơ tán ngay lập tức được phát đi từ máy bay và tàu thủy. Chính vì liên quan đến việc sơ tán cả lính biên phòng và các đơn vị quân đội có mặt tại thị trấn, nên thảm kịch ở Severo-Kurilsk ngay lập tức được coi là “bí mật”.

Thông tin về thảm kịch chỉ được giải mật một phần vào đầu những năm 2000, khi kho lưu trữ của Cơ quan Hải quân bắt đầu được phép tiếp cận. Theo các tài liệu lưu trữ này, tổng cộng có 2.336 người chết do thảm họa xảy ra ở Bắc Kuril. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng, trận sóng thần ngày 5-11-1952 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 8.000 người, trong đó có gần 2.000 trẻ em và thanh thiếu niên, chỉ có dân thường, những người được tìm thấy xác và xác định danh tính mới được đưa vào thống kê.

Điều gì xảy ra sau đó

Sau thảm họa xảy ra, năm 1956, Liên Xô đã thành lập Cơ quan địa chấn và khí tượng có nhiệm vụ phát hiện động đất trên đại dương và cảnh báo sóng thần. Nhưng thị trấn Severo-Kurilsk đã phải trải qua thời kỳ khó khăn sau trận sóng thần này. Nhiều người được sơ tán đã quyết định không bao giờ quay trở lại thị trấn, vì các nhà máy và cơ sở chế biến cá tại đó đã bị hư hại nặng nề và đóng cửa. Lực lượng quân nhân cũng bị cắt giảm đáng kể. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do vào năm 1961, những vùng biển ven bờ cá trích không còn di cư đến, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành kinh tế chủ lực của Severo-Kurilsk.

Sau trận sóng thần, thị trấn đã được xây dựng lại, nhưng nó chuyển đến gần những ngọn đồi nằm cao cách mực nước biển hơn 20m. Tuy nhiên, nơi này vẫn chưa hoàn toàn lý tưởng, bởi lúc này Severo-Kurilsk lại nằm trên đường đi của những dòng phun trào núi lửa Ebeko. Ngày nay, thị trấn có 2.691 người sinh sống và đây là khu dân cư duy nhất trên toàn bộ đảo Paramushir.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/thi-tran-cua-lien-xo-tung-bien-mat-khoi-mat-dat-chi-trong-vai-phut-678353