Thị trấn ở Trung Quốc 'đổi đời' nhờ tour leo núi mạo hiểm

Ngành du lịch mạo hiểm đang làm thay đổi diện mạo vùng núi ở Enshi (Hồ Bắc, Trung Quốc), góp phần 'hồi sinh' nền kinh tế địa phương.

 Khách du lịch trải nghiệm tuyến leo núi "via ferrata" tại một khu danh thắng ở Enshi, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Khách du lịch trải nghiệm tuyến leo núi "via ferrata" tại một khu danh thắng ở Enshi, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Trên những ngọn núi phủ sương mù ở Enshi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhiều ngôi làng từng cô lập nay trở nên nhộn nhịp khi khách du lịch mạo hiểm đổ về ngày càng đông. Động lực chính cho sự chuyển mình này là mô hình leo núi "via ferrata", một hình thức leo núi mạo hiểm có hỗ trợ dây cáp và các điểm tựa cố định trên vách đá, theo Global Times.

"Via ferrata", nghĩa là "con đường sắt" trong tiếng Italy, có nguồn gốc từ dãy Alps ở châu Âu từ hơn một thế kỷ trước và ngày càng phổ biến tại Trung Quốc.

Tại Enshi, cung đường này được thiết lập dọc theo các vách đá của núi Jigongling thuộc thị trấn Hoa Bình. Tuyến đường dài 2,8 km với độ dốc gần 650 m, mở cửa từ năm 2017 và đón hơn 30.000 lượt khách trong năm 2024.

 Du khách leo núi có hỗ trợ dọc theo cáp thép và chỗ bám chân được neo vào vách đá, tại một khu vực danh lam thắng cảnh ở Enshi, Hồ Bắc, ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Du khách leo núi có hỗ trợ dọc theo cáp thép và chỗ bám chân được neo vào vách đá, tại một khu vực danh lam thắng cảnh ở Enshi, Hồ Bắc, ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Một tuyến "via ferrata" khác mới được đưa vào khai thác dọc sông Thanh Giang cũng nhanh chóng thu hút khoảng 1.000 lượt khách chỉ trong vài tháng. Theo ban quản lý khu thắng cảnh, tuyến đường này đặc biệt phổ biến với du khách trẻ và các gia đình.

Lượng khách ngày một tăng không chỉ mang lại nguồn thu mà còn thay đổi diện mạo những khu vực từng nghèo khó. Thị trấn Hoa Bình ở độ cao hơn 1.200 m, bị cô lập do giao thông kém, người dân trước đây chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô và khoai tây năng suất thấp, thanh niên phải rời quê tìm việc. Nay, họ có thể kiếm sống từ du lịch ngay tại địa phương.

Guo Qing, huấn luyện viên 29 tuổi tại tuyến "via ferrata" ở Hoa Bình, dẫn đầu một nhóm 6 hướng dẫn viên địa phương. Anh cho biết thu nhập của mình dao động 7.000-8.000 nhân dân tệ/tháng, một mức thu nhập đáng kể với vùng nông thôn. Nhóm 6 hướng dẫn viên do anh dẫn dắt đều là người địa phương được đào tạo chuyên nghiệp, một số trong đó từng phải rời quê mưu sinh.

Sự bùng nổ của du lịch mạo hiểm còn kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ phụ trợ. Hơn 150 việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực khách sạn và bán lẻ ở Hoa Bình.

 Một tuyến cáp treo tại khu danh thắng ở Enshi, tỉnh Hồ Bắc được ghi lại vào ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Một tuyến cáp treo tại khu danh thắng ở Enshi, tỉnh Hồ Bắc được ghi lại vào ngày 8/7. Ảnh: Zheng Jiayu/Xinhua.

Xiang Longping, một nông dân ở Hoa Bình, đã xây sửa lại ngôi nhà của mình thành nhà khách sau khi tuyến đường leo núi mở cửa. Mỗi năm, anh đón khoảng 3.000 lượt khách và kiếm được hơn 100.000 nhân dân tệ từ dịch vụ lưu trú, nguồn thu này vượt xa nghề nông trước đây. Để phục vụ tốt hơn, anh còn học thêm nấu ăn và giới thiệu đặc sản địa phương cho du khách.

Thành công của Xiang đã truyền cảm hứng cho cả thị trấn, nơi ngày càng có nhiều homestay, quán ăn và cửa hàng được mở ra.

Không chỉ dịch vụ, nông nghiệp địa phương cũng hưởng lợi từ sự phát triển du lịch. Liu Xiaolin, người trồng nho ở chân núi Jigongling, cho biết doanh số bán nho của gia đình anh tăng hơn 40% kể từ khi tuyến đường "via ferrata" được đưa vào hoạt động.

"Trước đây, chúng tôi rất khó tìm được người mua nho, nhưng với lượng khách du lịch đến 'via ferrata' đông đảo như vậy, việc bán nho giờ đây không còn là vấn đề nữa", anh nói.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-tran-o-trung-quoc-doi-doi-nho-tour-leo-nui-mao-hiem-post1571535.html