Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Hướng tới siêu đô thị biển tầm cỡ quốc tế

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, bức tranh toàn cảnh thị trường Đà Nẵng đang dần sáng rõ hơn sau bước ngoặt sáp nhập hành chính với tỉnh Quảng Nam. Đây được xem là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn và định hình một tương lai mới cho thị trường bất động sản (BĐS) khu vực miền Trung.

Những yếu tố có lợi tác động thị trường

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế TP. Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng GRDP lên đến 11,7%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 62 triệu USD. Cùng với đó, lượng khách du lịch bùng nổ đạt 5,8 triệu lượt. Những con số tích cực này tạo lực đẩy toàn diện cho thị trường BĐS. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đang tái định vị như một trung tâm kinh tế biển đa ngành, năng động và đẳng cấp.

Sự kiện sáp nhập với Quảng Nam từ tháng 7/2025 được đánh giá là bước ngoặt chiến lược mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án quy mô lớn tại khu vực ven biển và vùng kết nối giữa Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai.

Một trong những điểm sáng nổi bật của thị trường Đà Nẵng là phân khúc khách sạn 4-5 sao, với sự gia nhập của hai dự án mới Courtyard Danang và Wyndham Soleil Đà Nẵng, đưa tổng nguồn cung lên 18.610 phòng. Tỷ lệ công suất phòng 65,5%, giá phòng trung bình 112 USD/đêm - đều vượt mức trước đại dịch.

Đại diện CBRE cho biết, sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế như Mandarin Oriental và JW Marriott sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là động lực khiến thị trường khách sạn trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trở lại, đặc biệt trong bối cảnh du lịch quốc tế đang hồi phục nhanh.

Sôi động nhất trên thị trường BĐS Đà Nẵng hiện nay chính là phân khúc căn hộ cao cấp

Sôi động nhất trên thị trường BĐS Đà Nẵng hiện nay chính là phân khúc căn hộ cao cấp

BĐS nghỉ dưỡng trầm lắng, condotel giữ nhịp

Ngược lại với đà phục hồi của khách sạn, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là biệt thự biển, vẫn gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung, vướng mắc pháp lý và giá bán cao. Song các dự án hạng sang mở bán từ trước như Mandarin Oriental Đà Nẵng hay Nobu Danang vẫn ghi nhận mức tăng giá đáng kể, từ 12-15% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng duy nhất của phân khúc này đến từ 640 căn condotel tại dự án Sun Costa Residence, góp phần duy trì nhịp điệu thị trường trong bối cảnh chưa có nhiều nguồn cung mới. Dù tỷ lệ hấp thụ không quá cao, nhưng giá trị của phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp vẫn được giữ vững nhờ tiềm năng du lịch dài hạn của khu vực.

Sôi động nhất trên thị trường BĐS Đà Nẵng hiện nay chính là phân khúc căn hộ để bán. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có tới 950 căn hộ mới được chào bán, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên gần 12.300 căn. Giá bán sơ cấp tăng 27%, đạt trung bình 85 triệu đồng/m².

Đặc biệt, các dự án hạng sang dọc sông Hàn được thiết lập mặt bằng giá mới, dao động từ 130 - 200 triệu đồng/m². Mặc dù, giá cao khiến thanh khoản có dấu hiệu chững lại so với cuối năm 2024, nhưng tổng lượng giao dịch vẫn tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Với dự báo khoảng 10.000 căn hộ sẽ ra mắt trong 3 năm tới, phân khúc này được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt thị trường.

Theo các chuyên gia, sáp nhập Quảng Nam vào Đà Nẵng vừa mở rộng địa giới hành chính, vừa tối ưu hóa phân bổ nguồn lực phát triển như cảng biển, sân bay, tài nguyên du lịch, công nghiệp và đô thị.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá: “Sự cộng hưởng sức mạnh từ liên kết hạ tầng, đến cơ chế đặc thù - vượt trội. Đây là tiền đề hình thành các chuỗi phát triển vùng mạnh và bền vững”.

Còn ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, sau sáp nhập, khu vực trục ven biển từ Sơn Trà đến Chu Lai sẽ trở thành tâm điểm phát triển của vùng đô thị mới, thu hút nhà đầu tư và cư dân cao cấp. Đặc biệt, loại hình chung cư ven biển với pháp lý minh bạch, tiện ích đẳng cấp đang trở thành sản phẩm được giới tinh hoa ưa chuộng.

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý

Bên cạnh các động lực tăng trưởng, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực giải quyết triệt để các điểm nghẽn pháp lý tồn đọng nhiều năm. Thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách, tập trung rà soát và xử lý các dự án liên quan đến vướng mắc đất đai. Đến nay, gần một nửa số dự án tồn đọng đã được tháo gỡ, đặc biệt là các “điểm nóng” tại bán đảo Sơn Trà và khu vực ven biển.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phối hợp với các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xử lý các trường hợp phức tạp. Đây là bước đi cần thiết để giải phóng nguồn lực và tạo điều kiện cho các dự án mới được triển khai thuận lợi.

Với định hướng phát triển toàn diện (xanh, số, thông minh và sáng tạo), Đà Nẵng sau sáp nhập đang hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm giao thương quốc tế, vùng đô thị biển bền vững và đẳng cấp khu vực. Các chuyên gia dự báo, khu vực này tiếp tục thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời là điểm đến an cư lý tưởng của cộng đồng doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư toàn cầu.

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-bat-dong-san-da-nang-huong-toi-sieu-do-thi-bien-tam-co-quoc-te-167853.html