Thị trường khoa học và công nghệ tại Hà Nội: Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Trong giai đoạn 2010-2020, thị trường khoa học và công nghệ tại Hà Nội có sự phát triển đáng kể, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, qua đó góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước.

Khách tham quan các sản phẩm của Công ty Khoa học ứng dụng công nghệ xanh PG tại sự kiện Chuỗi hoạt động kết nối và Tuần lễ cung cầu khoa học và công nghệ, từ ngày 24 đến 26-12-2020. Ảnh: Nguyễn Quang

Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong giai đoạn 2010-2020, thị trường khoa học và công nghệ ở Hà Nội được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành, như: Chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) Hà Nội hằng năm, Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội…

Đặc biệt, thành phố đã chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ (giai đoạn 2010-2015, cấp 30 giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ; con số này trong giai đoạn 2016-2020 là 60). Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế (325) và giải pháp hữu ích (423); đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp (1.231) và nhãn hiệu hàng hóa (20.172)...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ ở Thủ đô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ - nhất là các tổ chức có chức năng và đủ năng lực xúc tiến, định giá công nghệ, còn hạn chế cả về số lượng và quy mô; trong số 90 doanh nghiệp của Hà Nội được chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ, chưa có doanh nghiệp nào hình thành được các cơ sở ươm tạo công nghệ…

“Hoạt động trên thị trường khoa học và công nghệ chủ yếu là tìm kiếm mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ… Tại các sự kiện kết nối cung cầu, các doanh nghiệp mới dừng ở mức tìm hiểu sản phẩm khoa học công nghệ”, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu thông tin.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nguyên nhân là do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp; sự kết nối hoạt động nghiên cứu và triển khai với thị trường và doanh nghiệp còn mờ nhạt; đầu tư công cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra…

Đáng chú ý, hệ thống quản lý, lưu giữ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ còn yếu, khiến hoạt động chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học cho các doanh nghiệp trên cơ sở hoàn thiện công nghệ mới rất khiêm tốn.

Giới thiệu các sản phẩm của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tới khách hàng tại sự kiện Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020”, tổ chức cuối tháng 10-2020, tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Dung

Phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ

Để thị trường khoa học và công nghệ tại Hà Nội phát triển mạnh mẽ thời gian tới, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm, thành phố cần thúc đẩy liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, phát huy lợi thế trên địa bàn Thủ đô có 80% các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của cả nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) Lưu Hải Minh cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 13/2019/ NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ quy định, tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ bằng quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đây chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, ông Lưu Hải Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần đưa quy định mang tính “bệ đỡ” cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nói trên thật sự đi vào cuộc sống.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang tham mưu với Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua để tổ chức triển khai thực hiện - dự kiến từ quý I-2021, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực khoa học, công nghệ trên địa bàn, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước. Trong đó, phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ với các thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn: Kích cung, kích cầu, phát triển định chế trung gian; hoàn thiện môi trường pháp lý; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ được sâu rộng, mạnh mẽ hơn.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/986980/thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-tai-ha-noi-tao-chuyen-bien-manh-me