Thị trường tài chính 24h: Tỷ giá đã dần ổn định trở lại

VN-Index lên trên 1.100 điểm; Tỷ giá và lãi suất ổn định mặt bằng mới; 'Đầu tư vào nhóm ngành logistics là đón đầu cho sự phục hồi'; Cổ phiếu địa ốc và động lực chính sách; S&P Global Ratings: Fed có thể tăng lãi suất vào tháng 12…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 29/11 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng tới 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 800.000 /lượng chiều ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 72,40 – 73,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 26,9 USD lên 2.040,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 2.050 USD USD trước khi lùi về dưới 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,89 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.910 đồng/USD, giảm 20 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.040 – 24.385 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 38.000 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và lên trên 38.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,87 USD (+1,14%), lên 77,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,92 USD (+1,13%), lên 82,60 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.100 điểm

Sau phiên sáng lình xình trong sắc xanh và VN-Index không thể qua được bài test 1.100 điểm, thị trường bước vào phiên chiều giao dịch tích cực, dù dòng tiền tiếp tục sụt giảm.

Lực cầu khá mạnh kéo VN-Index lên mức hơn 1.105 điểm trước khi hạ nhiệt nhẹ trở lại trong những phút cuối phiên.

Thanh khoản sụt giảm so với phiên hôm qua, nhưng vẫn nhỉnh hơn so với phiên đầu tuần. Tuy nhiên, có một điểm chung trong 4 phiên gần đây nhất đó chính là dù biến động khá mạnh trong phiên, nhưng VN-Index đóng cửa chỉ tăng hoặc giảm hơn 7 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,93 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 28,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/11: VN-Index tăng 7,37 điểm (+0,67%), lên 1.102,8 điểm; HNX-Index tăng 2,64 điểm (+1,18%), lên 227,03 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,46%), lên 85,04 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (28/11), sau khi những bình luận ôn hòa từ một số quan chức Fed đã củng cố hy vọng về khả năng cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Ông Christopher Waller, Thống đốc Hội đồng quản trị của Fed đã ám chỉ về việc giảm lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát tiếp tục giảm.

Kỳ vọng của thị trường tiền tệ về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 5/2024 đã tăng lên gần 63% từ khoảng 50% trước bình luận của các quan chức ngân hàng trung ương, theo Công cụ FedWatch của CME Group.

Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Dow Jones tăng 83,51 điểm (+0,24%), lên 35.416,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,46 điểm (+0,09%), lên 4.554,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,73 điểm (+0,29%), lên 14.281,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, trong một phiên giao dịch giằng co, khi các nhà đầu tư tiếp tục bán cổ phiếu để chốt lời sau đợt tăng tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,26% xuống 33.321,22 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,51% xuống 2.364,50 điểm.

"Các nhà đầu tư vẫn thận trọng về mức tăng gần đây của Nikkei 225 nên họ đã tạm dừng mua. Không có tín hiệu mua hoặc bán trong những phiên gần đây", Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Gánh nặng lớn nhất phiên này là chỉ số ngân hàng mất 2,54%, với Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group lần lượt giảm 2,83% và 2,63%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, ảnh hưởng mạnh bởi các cổ phiếu bất động sản và ô tô.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,56% xuống 3.021,69 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,86% xuống 3.488,31 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và các công ty ô tô dẫn đầu đà giảm với mức giảm lần lượt là 3,3% và 2,9%.

Các nhà phân tích không kỳ vọng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ quay đầu hồi phục nhanh chóng vào năm 2024, bất chấp sự hỗ trợ chính sách tăng cường.

"Tâm lý của người mua nhà vẫn yếu trong bối cảnh triển vọng việc làm và thu nhập không chắc chắn", Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư.

Đáng chú ý, một cuộc thăm dò của Reuters hôm thứ Tư dự báo rằng hoạt động sản xuất (PMI) của Trung Quốc có thể đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, khi triển vọng quý IV thận trọng của gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan làm dấy lên lo ngại về chi tiêu tiêu dùng của người tiêu dùng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,08% xuống 16.993,44 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,32% xuống 5.818,87 điểm.

Cổ phiếu có trọng số lớn là Meituan giảm 12%, sau khi dự báo tăng trưởng doanh thu quý IV cho hoạt động kinh doanh giao đồ ăn cốt lõi sẽ chậm lại so với quý trước, với lý do tâm lý thận trọng dai dẳng của người tiêu dùng và thời tiết ấm hơn của mùa đông ảnh hưởng đến đơn đặt hàng.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc họp về lãi suất của ngân hàng trung ương trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 1,95 điểm, tương đương 0,08% xuống 2.519,81 điểm.

Các chuyên gia lưu ý rằng các nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường cho đến khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc quyết định về lãi suất cơ bản và dữ liệu lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ cho tháng 10, cả hai đều dự kiến có thông báo vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 29/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 87,17 điểm (-0,26%), xuống 33.321,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,87 điểm (-0,56%), xuống 3.021,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 360,70 điểm (-2,08%), xuống 17.993,44 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,95 điểm (-0,07%), xuống 2.519,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá và lãi suất ổn định mặt bằng mới

Chưa bao giờ tỷ giá, lãi suất lại cùng có sự biến động mạnh như 2 năm vừa qua, nhưng dường như sự ổn định đã dần trở lại..>> Chi tiết

- "Đầu tư vào nhóm ngành logistics là đón đầu cho sự phục hồi"

Năm 2023, ngành logistics Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ suy giảm kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, câu chuyện có thể sẽ khác nhiều trong năm 2024, khi bối cảnh vĩ mô đổi thay..>> Chi tiết

- Cổ phiếu địa ốc và động lực chính sách

Bên cạnh động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án và giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ, kỳ vọng của nhà đầu tư vào các dự án luật đã tạo động lực để giá cổ phiếu địa ốc hồi phục mạnh..>> Chi tiết

- S&P Global Ratings: Fed có thể tăng lãi suất vào tháng 12

Theo S&P Global Ratings, lợi suất trái phiếu giảm khiến Fed có thể tăng lãi suất vào tháng 12, nhưng dự kiến sẽ có một đợt cắt giảm nhanh chóng vào năm 2024..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-ty-gia-da-dan-on-dinh-tro-lai-post334871.html