Thị trường Trung Đông còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở khu vực Trung Đông, đáng chú ý là thị trường các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đang rộng mở với nhiều thuận lợi.Theo ITPC, trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỉ đô la, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỉ đô la.

Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng ngũ cốc, cao su, đồ gỗ, sản phẩm cao su, rau quả các loại, sản phẩm sữa… của thị trường khu vực này rất lớn.

Những thông tin trên được ghi nhận tại hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức chiều ngày 17-3.

Hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19”. Ảnh: Lê Hoàng

Sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh mới.

Ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait, cho biết 6 nước GCC gồm Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar, và Oman (Ô-man), đều là thành viên WTO.

“Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và đáng chú ý thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC. Bên cạnh đó, hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác…

Chia sẻ thêm về thị trường Trung Đông, ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC, cho biết các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2 đến 8 tỉ đô la) đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, sản phẩm sữa, rau quả các loại… “Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; công nghiệp sản xuất khó phát triển, nên khu vực này vẫn phải nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Thống kê cho thấy, các quốc gia này nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỉ đô la/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỉ đô la/năm.

Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông, là mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam, ông Tuấn nhận định.

Riêng với TPHCM, Trung Đông là một thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm đây, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo các năm. Chỉ kể riêng UAE, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của thành phố sang UAE ước đạt 340 triệu đô la trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu đô la, tăng 12% so với năm 2020. Xuất khẩu thành phố sang Iraq ước đạt trên 130 triệu đô la năm 2021, tăng 21%

Các mặt hàng chính TPHCM xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông bao gồm thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại…

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tuấn, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư như ITPC.

Sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại showroom ITPC. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Thắng cũng cho rằng rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác… do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Chìa khóa vàng vào thị trường Trung Đông

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam, cho biết thế giới Hồi giáo có 57 quốc gia thành viên OIC; 2,2 tỉ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới). “Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, lợi ích của chứng nhận Halal là vô cùng lớn, giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo và được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng mà không phải do dự.

Bà Hằng lưu ý các doanh nghiệp khi tham gia chương trình chứng nhận Halal, khi chuẩn bị đăng ký, doanh nghiệp cần áp dụng Halal vào sản xuất, lưu ý chọn nguyên liệu Halal.

Các công ty nông thủy sản cần đặc biệt lưu ý khi sản xuất các sản phẩm Haram sẽ rất khó trong quá trình đánh giá Halal. Doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm tham gia chứng nhận, địa điểm nhà máy và chương trình chứng nhận phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong quá trình đánh giá Halal, cơ quan đánh giá sẽ tiến hành truy xuất nguyên liệu và tất cả thành phần có trong quá trình sản xuất, cho nên lưu ý doanh nghiệp cần phải rất kỹ trong khâu này.

Yêu cầu riêng đối với các công ty yêu cầu sản phẩm Halal nhưng có sản xuất sản phẩm liên quan đến chất cấm (thịt heo.., rượu, bia) thì dây chuyền đã từng sản xuất sản phẩm liên quan đến thị heo bắt buộc phải tẩy rửa theo nghi thức Hồi giáo trước khi tiến hành sản xuất sản phẩm Halal (chỉ thực hiện 1 lần duy nhất)…

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-trung-dong-con-nhieu-du-dia-cho-doanh-nghiep-viet-nam/