Thích ứng để sống chung với dịch bệnh

Cụm từ 'sống chung với lũ' thường được chúng ta nhắc đến để động viên nhau tìm cách thích nghi, vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống. Giờ đây, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, thay vì hoang mang, lo sợ thì hơn lúc nào hết, mỗi người dân phải tìm cách thích ứng một cách an toàn nhất để đảm bảo mọi hoạt động trong cuộc sống vẫn được diễn ra.

Thích ứng để sống chung với dịch

Thông thường vào khoảng 5 giờ sáng, Công viên Võ Văn Kiệt (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) tấp nập bởi lượng người đổ về đây tập thể dục. Ấy vậy mà, mấy ngày gần đây số người đến đây đã giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Bảy (khu phố 5, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) có thói quen tập thể dục hàng ngày.

Trước đây, đều đặn 1 tiếng vào buổi sáng và 1 tiếng buổi chiều, ông đều đến Công viên Võ Văn Kiệt để đi bộ, hoặc thực hiện vài bài tập nhẹ nhàng. Không gian sinh hoạt chung nhiều cây xanh, thoáng đãng tại đây cũng thuận tiện để những người bạn cao tuổi gặp gỡ, trò chuyện. Thế nhưng những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận ca nhiễm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, do đó thay vì duy trì thói quen trước đây, ông Bảy đã vui vẻ tập thể dục ngay tại nhà. “Hiểu rõ sự nguy hiểm của đại dịch nên tôi hoàn toàn ủng hộ các giải pháp quyết liệt, khẩn trương mà chính quyền địa phương triển khai thực hiện để giữ an toàn cho nhân dân. Do đó, tôi cũng đã thay đổi thói quen của mình để góp phần vào an toàn chung của cộng đồng”, ông Bảy chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Anh, chủ quán cà phê (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) cho biết: Dịch bệnh đã khiến cho việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này việc phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, tại quán của chị cũng đã trang bị những chai rửa tay sát khuẩn, bàn ghế được sắp xếp giãn cách để đảm bảo an toàn.

Có thể thấy rõ, việc thay đổi thói quen để phòng chống dịch bệnh đó chính là việc hầu hết người dân đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, bệnh viện, các điểm giao dịch…

Mới đây, UBND tỉnh có công văn cho phép các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đón trẻ trở lại trường vào ngày 2/6. Trong đó tuân thủ việc bố trí lớp học, nhóm trẻ không quá 10 em/lớp. Các trường đã thực hiện rà soát, vận động những trường hợp đã có nơi giữ bảo đảm thì không tới trường nhằm để dành chỗ cho những trường hợp khác đang khó khăn. Việc UBND tỉnh đồng ý cho các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động trở lại đã phần nào giải tỏa áp lực cho phụ huynh. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, tích cực nhất trong thời điểm hiện tại.

Để thay đổi thói quen cũ, hình thành nên những thói quen mới trong thời gian ngắn là điều không dễ. Tuy nhiên, việc nhận thức rõ về sự nguy hiểm, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ tạo động lực mạnh mẽ để mỗi người tự ý thức hơn, trước hết là để tự bảo vệ mình. Bước đầu tạo nên những thói quen mới để chung sống an toàn với dịch bệnh. Và trong quá trình đó có sự đồng hành rất sát sao của chính quyền, cùng các ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế.

NGỌC DIỆP

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/thich-ung-de-song-chung-voi-dich-benh-138043.html