Thiên tai cuối năm phức tạp, cần nâng cao chất lượng dự báo
Thiên tai những tháng cuối năm dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường. Cần nâng cao chất lượng dự báo và xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa.
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra tại phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 diễn ra chiều 24/7. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp.
Dự báo, còn khoảng 3 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dự báo tình hình thiên tai các tháng cuối năm còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và rất khó lường.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, làm rõ những mặt được, mặt chưa tốt; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự báo, từ nay đến cuối năm 2025, có khoảng 8 đến 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có khoảng 3 đến 5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. “Hiện nay bão số 4 đang hình thành nhưng khả năng không ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông Hiệp cho biết.
Về mưa lớn, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự báo, nửa cuối tháng 7 đến tháng 9, tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa vừa đến mưa to và kéo dài, đặc biệt sẽ có những đợt mưa rất cực đoan. Từ tháng 10 đến tháng 12, khu vực ở Trung Bộ mưa lớn tập trung trùng với thời kỳ bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh. Do vậy, cần đề phòng nguy cơ lũ chồng lũ.
Về lũ và ngập lụt, ở Bắc Bộ, đỉnh lũ trên các sông chính ở mức báo động 1, báo động 2, ở các sông nhỏ thượng lưu có thể đạt báo động 2, báo động 3. Ở Bắc Trung Bộ, sông Mã, sông Cả cũng tương tự, đạt ở mức báo động 2, báo động 3 và có thể vượt báo động 2…
Cần đẩy mạnh cải tiến chất lượng dự báo
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, thiên tai các tháng cuối năm còn diễn biến rất phức tạp. Ông đề nghị các bộ ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên được phân công.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh cải tiến chất lượng dự báo, tập trung vào tình huống dự báo như bão mạnh, mưa cực đoan, sạt lở, lũ lụt. “Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa chỉ đạo Trung tâm khí tượng thủy văn và các đài khu vực cố gắng dự báo khả năng chính xác nhất thiên tai trong thời gian ngắn, ví dụ như trước 2 đến 3 tiếng để có thể thông báo trực tiếp đến địa điểm có khả năng xảy ra thiên tai. Qua đó, có thể cảnh báo sớm hơn và đặc biệt hạn chế cái thiệt hại”, ông Hiệp thông tin.
Thứ hai, khẩn trương kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp. Rà soát điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là kiện toàn Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã là nơi cốt lõi trong chỉ huy phòng chống thiên tai tại cấp cơ sở.
Thứ ba, tập trung triển khai biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai 6 tháng đầu năm.
Thứ tư, tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, các đê điều, hồ đập bị sự cố hư hỏng, hệ thống cống tiêu, hệ thống điện lực, hệ thống trạm bơm, hệ thống thông tin liên lạc để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo, không để bị mất liên lạc.
Thứ năm, rà soát, xây dựng phương án cụ thể để ứng phó sát thực tế, đảm bảo an toàn cho các hồ đập lớn, thủy điện, nhất là khi xuất hiện các tình huống mưa lũ vượt mức thiết kế, không để bị động bất ngờ. Ông Hiệp dẫn chứng câu chuyện của hồ Thác Bà năm 2024, câu chuyện hồ Bản Vẽ của Nghệ An mới xảy ra.
“Trong lịch sử vận hành hồ thủy điện Bản Vẽ, lưu lượng lớn nhất lũ về từ trước đến nay là 4.300 m³/s. Trong thiết kế hồ đã tính toán lưu lượng lũ về có thể đến 10.500 m³/s, tức là 5.000 năm sẽ xảy ra một trận như này để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thế nhưng đêm hôm kia, lũ về thực tế đo được là 13.000 m³/s, gấp ba lần bình thường và vượt cả dự kiến thiết kế hồ này, như vậy rất nguy hiểm. Do vậy, Bộ đang cùng địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình này”, ông Hiệp cho biết.
Thứ sáu, sẵn sàng phương tiện để khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các trục huyết mạch ở các địa phương…
Sau cơn bão số 3 (Wipha), Biển Đông lại xuất hiện bão số 4 (Cỏ May) với cường độ mạnh cấp 9 - 10 (75 - 102 km/giờ), giật cấp 12. Tuy bão số 4 di chuyển ngược ra phía đông về hướng Philippines nhưng do dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực bắc Biển Đông nối với cơn bão số 4 gây mưa giông, gió mạnh trên biển. Còn trên đất liền, nhiều nơi ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa lớn trong 2 ngày tới.