Thiết kế nhà ở đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy

Vấn đề thiết kế, xây dựng và bố trí hợp lý các hạng mục trong căn hộ đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Điều đó sẽ góp phần đảm bảo thuận lợi trong quá trình vận hành, sử dụng công trình và an toàn cho việc thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ -Ảnh: TN

Diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ -Ảnh: TN

Theo cơ quan chức năng, trong căn hộ nên thiết kế, bố trí hai lối thoát nạn ra nơi an toàn. Nếu trong trường hợp không thể thiết kế hai lối thoát nạn tách biệt cho tòa nhà (đối với các nhà liền kề mặt phố) thì cần tính toán khả năng thoát nạn sang căn hộ hoặc các công trình liền kề (thông qua cửa sổ, ban công...) hoặc phải thiết kế, bố trí thang thoát hiểm lên mái của công trình.

Đặc biệt là không nên bịt kín các ban công, sân thượng của căn hộ bằng lồng sắt (với mục đích chống trộm). Nếu trường hợp bắt buộc phải làm lồng sắt thì nên thiết kế trên lồng sắt đó một ô cửa thoát ra ngoài và có sử dụng chốt hoặc khóa phía trong; chìa khóa của ô cửa thoát nạn nên đặt ở một nơi cố định và thông báo cho các thành viên trong gia đình biết để sử dụng khi cần thiết.

Không nên đặt các biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt ngoài của ngôi nhà, vì các biển quảng cáo có hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống dây dẫn điện... là những thiết bị có nguy cơ phát sinh cháy và gây cháy lan vào căn hộ và ra các công trình xung quanh.

Đồng thời, nếu khi có cháy xảy ra trong căn hộ thì các biển quảng cáo sẽ là vật cản, làm cho người trong nhà không thể thoát ra ngoài; lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khó khăn khi tiếp cận để chữa cháy và cứu người đang bị kẹt trong nhà. Thiết kế hệ thống điện phải đảm bảo vừa tiện dụng, vừa an toàn; lắp đặt các aptomat tự ngắt chung cho tòa nhà, từng tầng, từng nhánh (hoặc từng phòng) và cho riêng các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn.

Trong căn hộ nên hạn chế việc sử dụng các vật liệu dạng tấm nhựa, mút xốp làm ốp trần, tường hoặc các vật liệu trang trí khác nhằm giảm thiểu nguy cơ đám cháy phát triển nhanh, lan rộng và phát sinh nhiều khói, khí độc. Nếu ngôi nhà có nhiều lớp cửa với các loại khóa khác nhau thì cần cố định nơi để chìa khóa; nên sử dụng loại khóa dạng chốt gạt hoặc chốt vặn để vừa đảm bảo chống trộm, vừa dễ thao tác mở cửa khi có sự cố xảy ra.

Trong căn hộ nên trang bị một số phương tiện có thể sử dụng để phá dỡ tạo lối thoát nạn (búa, rìu) và bình chữa cháy xách tay (bình khí CO2, bình bột MFZ) dùng để chủ động dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Ngoài ra, trong các hộ gia đình nên trang bị một số mặt nạ phòng chống khói, khí độc để có thể sử dụng khi có cháy nhằm tránh ngạt khói và thoát ra khỏi đám cháy an toàn. Tại các phòng hoặc các khu vực khác nhau trong căn hộ gia đình nên lắp đặt các đầu báo cháy tự động không dây (đầu báo cháy cảm biến nhiệt hoặc cảm biến khói).

Nên lựa chọn chủng loại các đầu báo cháy có kết nối với nhau bằng tín hiệu không dây để khi có sự cố cháy ở một phòng hoặc khu vực bất kỳ, đầu báo cháy tại khu vực đó sẽ làm việc, tín hiệu báo cháy sẽ được phát đến tất cả các khu vực còn lại và khi đó toàn căn hộ sẽ được báo động để mọi người cùng biết, di chuyển ra nơi an toàn.

Mỗi gia đình nên thiết lập một kế hoạch với sơ đồ thoát hiểm từ căn hộ ra nơi an toàn và phổ biến đến tất cả các thành viên biết để chủ động thoát nạn khi có sự cố cháy bất ngờ xảy ra. Thực tế khi xảy ra cháy, khói từ đám cháy bao phủ, làm cho chúng ta bị hạn chế tầm nhìn, vì vậy khi có kế hoạch và bản sơ đồ thoát nạn, các thành viên sẽ hình dung được các phương án thoát nạn theo lối chính (cửa ra vào chính), hoặc lối dự phòng (cửa sổ, cửa ra ban công...) hoặc lối khẩn cấp để ra nơi an toàn.

Theo cơ quan chức năng, nếu có cháy xảy ra, trong trường hợp bị mắc kẹt ở các ban công, lô gia hoặc trên mái của các công trình cao tầng để tránh đám cháy, mọi người phải bình tĩnh và bằng mọi cách gọi điện theo số 114 và thông báo vị trí đang mắc kẹt cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ có phương pháp cứu phù hợp như: triển khai xe thang hoặc có thể tiếp cận trực tiếp và sử dụng dây để đưa người bị nạn xuống nơi an toàn.

Nếu người bị nạn mắc kẹt tại các vị trí (cửa sổ, ban công...) và đang bị các yếu tố nguy hiểm trực tiếp tác động như khói, lửa... thì có thể sử dụng các vật dụng sẵn có xung quanh (mền chăn, ga giường, vòi chữa cháy...) kết thành dây để tụt xuống các vị trí bên dưới và sau đó thoát ra nơi an toàn. Tuy nhiên, khi buộc dây phải chọn các cấu kiện chắc chắn, các mối buộc phải chặt, tránh bị tuột, bung, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc chấn thương.

Trường hợp người bị nạn mắc kẹt trên mái nhà hoặc tại các vị trí cheo leo nguy cơ có thể bị rơi xuống bất kỳ lúc nào, người bị nạn phải giữ bình tĩnh, ổn định vị trí, không gào khóc, không di chuyển. Mọi người xung quanh cần động viên, trấn an tinh thần người bị nạn (đặc biệt đối với trẻ nhỏ) và chờ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến sử dụng các biện pháp đặc chủng để cứu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thiet-ke-nha-o-dam-bao-cong-tac-phong-chay-chua-chay/180000.htm