Thiếu chính sách đủ mạnh, tỷ lệ nữ nhà giáo làm quản lý chưa xứng với tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Ngô Thị Minh - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, trong ngành Giáo dục, tỷ lệ nữ nhà giáo làm quản lý còn thấp, càng lên cao tỷ lệ càng thấp và chưa tương xứng tiềm năng.

Động viên, khích lệ nữ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Kiều Giang

Động viên, khích lệ nữ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Kiều Giang

Nhiều tiêu chí chưa đạt

Toàn ngành Giáo dục hiện có trên 52 nghìn đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục với gần 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ), trong đó nữ chiếm khoảng 80%; trên 23 triệu học sinh, sinh viên, trong đó nữ chiếm gần 50%.

Tuy nhiên, thực hiện kế hoạch hành động bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nữ nhà giáo làm cán bộ quản lý còn chưa đạt. Công tác chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú trọng tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ.

Hiện còn khá nhiều tỉnh thành không có nữ tham gia ban lãnh đạo sở. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Giáo dục, nguyên nhân chủ yếu là công tác tham mưu, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú trọng quyết liệt trong đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ.

Bên cạnh đó, công tác vận động nữ ở một số đơn vị còn hạn chế, một bộ phận nữ CBNGNLĐ còn tư tưởng tự ti, an phận, chưa sẵn sàng tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lí…

Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức

Bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng cho biết: Hiện cấp học mầm non ở thành phố có 98,45% Cán bộ quản lý cấp trưởng là nữ, cấp phó là 98,63%. Với cấp tiểu học tỷ lệ này là 80,3% và 98,4%. Với cấp Trung học cơ sở là 47,2% và 98,4%. Ở cấp Trung học phổ thông là 26,69% và 42,34%...

Những năm qua, số nữ Cán bộ giáo viên được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao chuẩn đào tạo, nữ nhà giáo được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong các nhà trường nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, theo bà Hòa, tỷ lệ nữ có học hàm, học vị cao còn thấp so với nam giới. Càng lên cấp học cao, tỷ lệ cán bộ nữ càng thấp. Có nhiều lý giải cho vấn đề này, trong đó sự tiến bộ của nữ nhà giáo có phần hạn chế so với nam giới bởi ngoài công việc chuyên môn, chị em còn phải đảm nhận thiên chức người vợ, người mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, định kiến giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của nữ nhà giáo…

Đại diện của Đại học Thái Nguyên cho hay: Từ năm 2015 - 2019, số nữ Cán bộ quản lý ở đơn vị tăng từ 313 người lên 381 người. Tuy nhiên, cán bộ nữ chủ yếu tham gia lãnh đạo ở các cấp trưởng, phó bộ môn; trưởng, phó phòng khoa còn tỷ lệ cán bô nữ tham gia lãnh đạo cấp trường (ban giám hiệu) trở lên tương đối thấp, đặc biệt từ khi thành lập (1994) đến nay trong Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên chưa có cán bộ nữ tham gia.

Đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Đại học Thái Nguyên nhận định: Công tác quy hoạch, phát triển, đào tạo nguồn cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Hầu như chưa có chính sách riêng đủ mạnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn hoặc hỗ trợ, khuyến khích cán bộ nữ tham gia lãnh đạo. Tư tưởng xem nhẹ nữ giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản với sự tiến bộ phụ nữ…

Tạo điều kiện cho nữ nhà giáo tham gia các kế hoạch, chiến lược của các nhà trường. Ảnh minh họa

Tạo điều kiện cho nữ nhà giáo tham gia các kế hoạch, chiến lược của các nhà trường. Ảnh minh họa

Gỡ rào cản cho nữ nhà giáo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Ngô Thị Minh nhận định: Tỷ lệ nữ Cán bộ quản lý ở cấp Trung học phổ thông, đại học còn thấp, có đơn vị tỷ lệ nữ Cán bộ quản lý rất thấp. Điều này đặt ra yêu cầu toàn ngành cần tìm ra những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, tăng tỷ lệ nữ Cán bộ quản lý.

Thứ trưởng đề nghị: Cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và thực hiện đảm bảo bình đẳng giới đối với nữ CBGV-NV theo thẩm quyền. Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạch định các chính sách vĩ mô, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc, nâng cao sức khỏe, phát huy trí tuệ, năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị, cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các cơ quan quản lý giáo dục…

Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng sẽ đề nghị Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ kiến nghị với Đảng, Nhà nước điều chỉnh chính sách liên quan tới việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ phù hợp với tuổi nghỉ hưu được quy định trong Luật Lao động 2019… Đồng thời, đề xuất với Chính phủ có quy định xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và có chế tài phù hợp khi không chấp hành nghiêm túc việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo nói riêng…

Thạc sĩ Ngô Thị Hiếu - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ủy viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Trường Đại học Tây Nguyên cho hay: Việc thực hiện bình đẳng giới được quán triệt mạnh mẽ tại Trường Đại học Tây Nguyên. Hiện tỷ lệ nữ đảng viên chiếm 45,51%, nữ quản lý từ cấp bộ môn trở lên chiếm 42,24%... Có được kết quả này, trường đã vận dụng các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phấn đấu. Cụ thể, khi bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ nữ được ưu tiên ở những vị trí phù hợp với sở trường, sức khỏe. Khi đào tạo chuẩn hóa chức danh quy hoạch cán bộ nữ, chị em được đề đạt nguyện vọng, chủ động lựa chọn thời điểm đi đào tạo…

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng Đỗ Thị Hòa, cần đưa công tác đào tạo cán bộ nữ vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cho cán bộ, công chức nữ về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị.

Yếu tố quan trọng để bảo đảm cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chính là sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan đơn vị; là sự tạo điều kiện của gia đình và sự nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ về mọi mặt, vượt qua rào cản tâm lý an phận, tự thỏa mãn của bản thân mỗi nữ nhà giáo…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ty-le-nu-nha-giao-lam-quan-ly-chua-xung-voi-tiem-nang-thieu-chinh-sach-du-manh-Y18sQF9MR.html