Thiếu lao động, nỗi lo khi phục hồi sản xuất

Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến đời sống và tinh thần của người lao động khiến nhiều người xa quê chọn giải pháp 'về nhà' trước thời điểm giãn cách xã hội và sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Sản xuất tại Khu công nghiệp Phước Đông.

Sản xuất tại Khu công nghiệp Phước Đông.

Mọi năm, cứ đến cận tết nguyên đán, các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. Năm nay, tình trạng này tiếp tục diễn ra nhưng trong một bối cảnh khá đặc biệt- doanh nghiệp và người lao động trải qua đại dịch khốc liệt, nhiều mất mát.

Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến đời sống và tinh thần của người lao động khiến nhiều người xa quê chọn giải pháp “về nhà” trước thời điểm giãn cách xã hội và sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Giờ đây, các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất.

Việc trước mắt là cố gắng hoàn thành đúng hạn các đơn hàng để bù đắp cho việc giảm công suất sản xuất trong thời điểm giãn cách xã hội. Thế nhưng, nhiều người lao động vẫn chưa quay lại, thậm chí có thể không quay lại. Sau tết, việc tìm kiếm nguồn lao động càng khó hơn, nhất là khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn.

Thiếu hơn 15.000 lao động

So với các tỉnh, thành trong khu vực, số lao động thiếu hụt ở Tây Ninh ít hơn nhiều. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh, 50 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng hơn 15.251 lao động, trong đó, lao động chưa qua đào tạo là 11.473 người.

So với các năm trước, con số này không có nhiều biến động. Thế nhưng trong bối cảnh bình thường mới, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người lao động luôn cân nhắc khi đi làm xa quê. Ông Hu Bai Jun- Phó tổng Giám đốc Công ty dệt may Rise Hồng Kông -Việt Nam tại Khu công nghiệp Thành Thành Công cho biết, ngay khi phục hồi sản xuất, đơn đặt hàng khôi phục khoảng hơn 60% và hiện đang tăng lên nhưng nguồn lao động chưa đủ.

Ông Wang Jinwu- Phó tổng Giám đốc Công ty GainLucky - Việt Nam tại Khu công nghiệp Phước Đông bày tỏ lo ngại khi công ty còn thiếu đến 2.500 lao động. Theo ông Wang Jinwu, nhiều lao động của công ty về quê trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”.

Khi kết thúc giãn cách xã hội, ngại quay lại nhà máy làm việc nên thiếu lao động. Còn tại Công ty Brotex, hiện đã phục hồi sản xuất khoảng 80%, nếu có đủ lao động, công ty có thể phục hồi 100%. Brotex đang thiếu hơn 2.000 lao động.

Ông Zhang Kui- Tổng Giám đốc Công ty Brotex cho biết: “Vấn đề tuyển dụng rất khó khăn. Năm 2022, công ty có kế hoạch xây thêm 2 xưởng mới, đưa vào hoạt động, cần khoảng 1.500 công nhân. Như vậy, ngay sau tết nguyên đán, phải tuyển khoảng 3.500 công nhân mới có thể đạt yêu cầu sản xuất. Mong muốn của công ty là địa phương có thể tuyên truyền vận động người lao động, người đến tuổi lao động trực tiếp đến công ty để đăng ký phỏng vấn. Ngày hôm trước phỏng vấn, ngày hôm sau có thể nhận việc”.

Theo ông Trần Nguyễn Thanh Bằng- Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH SaiLun - Việt Nam, năm 2022, công ty dự kiến tuyển 2.300 người. Đối với lao động phổ thông chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, mức lương cơ bản của công nhân 9.000.000 đồng/tháng, mức lương của nhân viên nghiệp vụ 10.000.000 đồng/tháng. Công ty có ký túc xá cho công nhân.

Công ty TNHH CanSports cần tuyển 2.000 người. Công ty TNHH VMC Hoàng Gia cần tuyển 2.594 công nhân may giày da. Các chế độ thưởng, trợ cấp cũng được quan tâm thực hiện nhưng tìm nguồn lao động để tuyển trong lúc này là cả một vấn đề.

Đến nay đã có 249 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế phục hồi sản xuất, với tổng số lao động gần 130.000 người, trong đó có 3.356 người nước ngoài. Theo quy định tại Công văn 5697 của Sở Y tế, các công ty có số lượng công nhân từ 4.000 đến hơn 5.000 người thì lập 1 trạm y tế lưu động. Hiện nay, ngoài Bệnh viện dã chiến số 6 trong khu công nghiệp, Khu công nghiệp Phước Đông đã thành lập 10 trạm y tế lưu động. Việc lập các khu cách ly, thu dung F0 theo quy định được các công ty thực hiện nhưng chưa đồng bộ.

UBND thị xã Trảng Bàng ban hành 3 quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III.

Nỗ lực tìm nguồn để tuyển dụng

Đối với một số doanh nghiệp, việc thiếu hụt lao động có thể được xử lý bằng các giải pháp tình thế. Ông Phan Văn Bích- Giám đốc tài chính Công ty Sợi Thế Kỷ cho rằng, dòng người ra và dòng người biến động khá là nhiều. Công ty cũng cố gắng để gần như đáp ứng được sản xuất. Công ty linh hoạt sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Mặc dù số lượng sản phẩm ít nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ nỗ lực nên năm 2021 kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đạt và vượt về chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo ông Phan Văn Bích, thị trường và nguồn lực lao động là 2 điểm quan trọng chính. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát với nhiều đợt giãn cách xã hội, rồi thực hiện “3 tại chỗ”, ngành may mặc mất nhiều đơn hàng, thị trường bị thu hẹp.

Khi phục hồi sản xuất, vấn đề được quan tâm nhất là tuyển dụng lao động và tìm kiếm nguồn để mở rộng thị trường. Đối với những ngành cần lao động có chuyên môn cao như dệt may, dệt nhuộm thì đây lại là một bài toán khó.

Ông Phạm Đức Thanh- Giám đốc Tổ chức Hành chính Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành cho biết, công ty còn thiếu hơn 10 lao động có trình độ chuyên môn cao. Nếu có đủ nguồn nhân lực, sản xuất của công ty sẽ nhanh phục hồi mức 100%.

Đi qua đại dịch, sức chống chịu của người dân, người lao động và doanh nghiệp bị bào mòn nhưng cũng phải bắt tay vào phục hồi tất cả để có được sự ổn định kinh tế và tăng trưởng xanh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động.

Ông Đặng Xuân Vũ- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh cho biết: “Trung tâm chủ động thu thập và cung cấp miễn phí thông tin thị trường lao động để kết nối người lao động tìm việc và doanh nghiệp.

Năm 2021, Trung tâm tư vấn việc làm, học nghề cho 18.260 người, mở 12 phiên giao dịch. Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm mang nhiều hình thức phong phú, hiệu quả hơn; tiếp tục phối kết hợp với các Phòng Lao động - Thương binh vã Xã hội cấp huyện rà soát nguồn lực lao động tại địa phương để kịp thời đáp ứng cho các doanh nghiệp. Công tác phối hợp làm tốt sẽ giải quyết được tình hình thiếu lao động”.

Tuân thủ phòng dịch, ổn định sản xuất

Với mục tiêu vừa ổn định sản xuất, giữ được thị trường vừa bảo đảm sức khỏe cho công nhân, việc tuân thủ triệt để các biện pháp chống dịch trong giai đoạn bình thường mới luôn được quan tâm hàng đầu.

Người lao động cho rằng họ chỉ yên tâm tham gia sản xuất khi môi trường làm việc được bảo đảm mức thu nhập và an toàn phòng, chống dịch. Anh Đoàn Dũng Cảm, nhân viên Công ty TNHH SaiLun - Việt Nam bày tỏ: “Năm 2022, hy vọng tình hình dịch bệnh ở Việt Nam sẽ lắng xuống cho mọi người có thể đi lại bình thường, công việc ổn định hơn”.

Đó là mong muốn của hầu hết công nhân, người lao động. Vì thế, bài toán để giải quyết nguồn lực lao động là một giải pháp tổng hợp đòi hỏi sự thấu hiểu, sẻ chia giữa người lao động, các tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận vai trò và đặt ra trách nhiệm, mối quan hệ của doanh nghiệp đối với người lao động khá cụ thể.

Ông Hsu You - Sheng, Chủ quản Hành chính - NS Công ty Colltex cho biết: “Bây giờ chủ yếu làm sao cho người lao động tin tưởng công ty có khả năng phòng, chống dịch bệnh. Trách nhiệm của công ty là phải bảo đảm an toàn cho công nhân. Với quan điểm này, Công ty Colltex đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ dành cho người lao động; tổ chức tốt công tác phòng dịch ở từng xưởng”.

Ngoài việc chăm lo bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, các công ty đã chú trọng hơn đến việc thực hiện các chế độ trợ cấp, thưởng tết để giữ chân và tuyển được người lao động. Ông Wang Jinwu- Phó tổng Giám đốc Công ty GainLucky - Việt Nam nói: “Do tình hình dịch bệnh, công ty có những phúc lợi đãi ngộ khác hơn trước. Ví dụ như xe đưa rước đến tận nhà để đưa đón công nhân, hoặc công ty có trợ cấp giao thông”.

Được biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Thông tin 1022 thuộc Sở Thông tin và Truyền thông dự kiến lập trang tìm việc, nhằm kết nối nhu cầu tìm việc của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh những chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức kết nối, tiếp sức người lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh thì việc mở trang tìm việc góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay.

Có một thực tế mâu thuẫn là, doanh nghiệp cần tuyển dụng hơn 15.000 lao động, trong khi toàn tỉnh có 13.615 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và 134 người được hỗ trợ để học nghề.

Phương Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thieu-lao-dong-noi-lo-khi-phuc-hoi-san-xuat-a142593.html