Thiếu mưa, nông dân vùng đồi núi gặp khó

Gần một tháng nay, thời tiết không có mưa, khiến nông dân ở những vùng đồi núi, canh tác nhờ nước trời gặp rất nhiều khó khăn, có diện tích chưa thể xuống giống, còn những cây rau màu đã gieo trồng trước đó thì kém phát triển, đứng trước nguy cơ chết khô.

Thiếu mưa nhiều diện tích cây trồng ở xã vùng cao Cúc Phương sinh trưởng và phát triển chậm, lá chuyển úa vàng.

Thiếu mưa nhiều diện tích cây trồng ở xã vùng cao Cúc Phương sinh trưởng và phát triển chậm, lá chuyển úa vàng.

Khác với không khí sản xuất nhộn nhịp của những năm trước, năm nay, hầu hết các cánh đồng ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đều đang khá vắng vẻ, đồng đất trắng trơ, thiếu vắng màu xanh của hoa màu. Khá lâu chúng tôi mới gặp được chị Đinh Thị Lan, một nông dân ở thôn Nga 2 đang ra thăm ruộng. Chị Lan cho biết: "1,1 mẫu ngô này gia đình xuống giống một tháng trước, nhưng cũng từ ngày ấy đến giờ trời không có một giọt mưa, cây nhú lên được 2 lá xong cứ đứng yên như vậy, đỏ úa dần đi. Bà con chúng tôi buồn chẳng muốn ra ruộng".

Cũng theo chị Lan, để trồng hơn 1 mẫu ngô này gia đình đã đầu tư hơn 4 triệu đồng mua giống, phân bón lót, cày bừa, đó là chưa kể công. Với tình hình thời tiết diễn biến bất thường như năm nay, chị lo lắng không biết có thu lại vốn được không hay là mất trắng.

Vụ Đông Xuân năm nay, xã Cúc Phương có kế hoạch gieo trồng 192 ha rau màu các loại. Tuy nhiên, thời điểm này, bà con mới xuống giống được 128 ha (đạt 67%). Trong đó chủ yếu là ngô, cỏ voi, mía, còn lại là lúa, lạc, rau đậu, khoai sọ.

Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Trong 400 ha đất nông nghiệp của xã, chỉ có vài chục ha là có nước tưới, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, do vậy sản xuất hết sức khó khăn. Địa phương cũng chỉ có cách khuyến cáo bà con lựa chọn các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt để đưa vào cơ cấu gieo trồng. Còn hiện tại, vẫn phải đợi mưa xuống thì mới có thể khắc phục được.

Giống như Cúc Phương, ở các xã vùng cao khác của huyện Nho Quan như: Xích Thổ, Gia Lâm, Thạch Bình, Sơn Lai,... nhiều nông dân cũng đang đứng ngồi không yên vì rau màu gieo trồng xuống không có mưa, không có nước tưới, còi cọc, chậm phát triển. Trong khi đó, chuột hại, sâu bệnh vẫn ngày ngày đe dọa, làm hao hụt mật độ cây.

Nhiều diện tích canh tác ở thành phố Tam Điệp chưa thể xuống giống.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại thành phố Tam Điệp. Mặc dù cây trồng chính ở địa phương này là dứa, một loại cây chịu hạn rất tốt nhưng thời tiết thất thường cũng khiến mọi tính toán về thời vụ của bà con nông dân bị đảo lộn.

Bà Ngô Thị Lý ở tổ 8, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp sở hữu 2 ha đất đồi chuyên trồng dứa cho hay: Chưa năm nào sau lập Xuân mà thời tiết lại khô hanh như năm nay. Thông thường với cây dứa, phải qua xử lý mới ra hoa được nhưng có lẽ do thiếu mưa cộng với nền nhiệt cao nên hiện tại toàn bộ diện tích dứa của gia đình tự động ra hoa đồng loạt. Như vậy việc tính toán, điều khiển để dứa thu hoạch trái vụ của gia đình coi như thất bại. "Bán dứa chính vụ giá thường thấp và thu nhập của nông dân chúng tôi sẽ chẳng được là bao" - bà Lý buồn phiền nói.

Còn anh Đinh Phú Định, một nông dân khác ở thôn Hang Nước, xã Quang Sơn chia sẻ: Trong sản xuất, nông dân chúng tôi thường luân canh, xen canh giữa cây dứa và một số cây màu khác như lạc, củ từ, ngô để cải tạo đất cũng như cắt nguồn sâu bệnh tồn dư. Như năm nay, tôi dành ra 4.000 m2 để trồng lạc. Đầu tư giống, phân bón hết gần 5 triệu đồng, vậy mà do thiếu mưa nên cây phát triển chậm, hơn 1 tháng tuổi mà cây nào cũng chỉ có 2-3 lá, đồng thời cây bị ngả vàng. Nếu thời thời tiết sớm có mưa thì có thể tăng cường chăm bón, vớt vát lại được năng suất, nhưng nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài thì năng suất sẽ thấp hoặc mất trắng.

Theo ngành chuyên môn, những năm gần đây, thời tiết có những biến đổi thất thường. Hiếm có năm nào mà sau Tiết lập Xuân thời tiết nắng hanh như năm nay. Thiếu mưa không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp ở những vùng đồi núi, canh tác nhờ nước trời mà còn tác động chung đến hầu hết các diện tích cây trồng vụ Đông Xuân trên toàn tỉnh, kể cả cây lúa. Sở Nông nghiệp và PTNT đang bám sát đồng ruộng, cũng như diễn biến của thời tiết để đưa ra các biện pháp xử lý, chăm bón kịp thời, phù hợp, đảm bảo năng suất, chất lượng các loại cây trồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thieu-mua-nong-dan-vung-doi-nui-gap-kho/d2023031013062303.htm