Thiếu trầm trọng máu điều trị do nhiều nơi hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu

Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm luôn xảy ra tình trạng khan hiến máu phục vụ cho nhu cầu điều trị. Dịp Tết Tân Sửu năm nay tình trạng thiếu máu càng trở nên trầm trọng do dịch Covid-19 xuất hiện tại một số địa phương khiến các đơn vị hủy, hoãn lịch hiến máu.

Người bệnh mòn mỏi chờ máu

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, mặc dù các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vẫn được thực hiện cương quyết, mạnh mẽ hơn những đợt trước nhiều để không cho dịch lan rộng; tuy nhiên, tâm lý của người dân là lo ngại bị cách ly nên chúng tôi đã chuẩn bị kỹ nhưng vẫn xảy ra tình huống không thể ngờ tới trong hiến máu.

Kế hoạch chuẩn bị máu cho điều trị trong và sau tết số lượng ít nhất 10 nghìn đơn vị. Đến ngày 21-1 trước khi phát hiện ra ca nhiễm ở Hải Dương chúng tôi tiếp nhận rất tốt, trung bình 2.000-3000 đơn vị máu/ngày và phát ra số lượng tương tự.

“Nhưng 1 tuần trở lại đây khi có ca nhiễm ở Hải Dương và các ca nhiễm được công bố thì hầu hết các lịch hiến máu đều bị hoãn, 6.000-8.000 đơn vị máu chuẩn bị cho Tết không được tiếp nhận. Vì vậy, có khả năng với tình hình hiến máu mà diễn biến như vậy thì chúng tôi sẽ phải hạn chế việc cung cấp để có lượng dự trữ an toàn cho dịp Tết và sau Tết Nguyên đán”, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bày tỏ.

Hiện nay trong kho dự trữ máu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương còn khoảng gần 7.000 đơn vị máu nhưng lượng máu phát ra cho các đơn vị, bệnh viện ở các tỉnh phía Bắc là 1.000-1.200 đơn vị máu/ngày. Trong khi đó, lượng máu tiếp nhận được là 1.500 đơn vị ngày 3-2. “Mỗi ngày lượng máu trong kho giảm đi nên chúng tôi lo ngại Tết sẽ thiếu máu”, TS. Bạch Quốc Khánh nói.

Tại khoa Điều trị hóa chất, bệnh nhân Nguyễn Văn L, sinh năm 1990, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã mòn mỏi chờ được truyền tiểu cầu đã gần 10 ngày nay.

Bệnh nhân ung thư máu với các bầm tím trên tay do xuất huyết giảm tiểu cầu đang mòn mỏi chờ được truyền máu (ảnh P.C)

Bệnh nhân ung thư máu với các bầm tím trên tay do xuất huyết giảm tiểu cầu đang mòn mỏi chờ được truyền máu (ảnh P.C)

L. mắc bệnh ung thư máu phải nhập viện điều trị từ cuối tháng 1-đúng thời điểm xuất hiện các ca Covid-19 trong cộng đồng. “Bình thường em nhập viện là được truyền mỗi ngày 7-10 đơn vị tiểu cầu nhưng đợt này có dịch, số người hiến máu ít đi nên không đủ máu điều trị. Mỗi ngày em được truyền cầm cự bằng 1 đơn vị máu rất nhỏ”, L. chia sẻ.

Thiếu tiểu cầu, không được truyền đầy đủ lượng cần thiết cho cơ thể nên suốt gần 10 ngày nay sức khỏe của L. cũng bị suy giảm theo do tiểu cầu xuống thấp. “Cơ thể không đủ tiểu cầu nên em mệt mỏi, em bị xuất huyết họng, tối ho nhiều không ngủ được. Em mệt, tụt huyết áp, đi lại khó khăn nên em chỉ ngồi tại giường không dám đi lại vì chỉ đi được 1 đoạn rất ngắn là có nguy cơ ngã. Khi ngã nếu chạm đầu vào đâu nguy cơ tử vong”.

Biết tình hình người hiến máu giảm, L. đã huy động bạn bè, người thân từ quê lên hiến máu cho mình. Cả 2 lần mọi người lên Viện hiến được khoảng 10 đơn vị máu nhưng vẫn không thể đủ. L. mòn mỏi chờ đợi nguồn máu để điều trị, những vết bầm trên tay/chân, trên mắt do xuất hiện ngày càng rõ rệt. Giờ lợi chỉ còn biết trông đợi vào những người hiến máu tình nguyện: Em mong muốn những người hiến máu tình nguyện cố gắng hiến máu để chúng em có thể về quê ăn tết vì ở đây có nhiều người cũng chờ được truyền máu để có thể về quê ăn tết vài ngày...

Đảm bảo an toàn phòng dịch cho người đến hiến máu

Từ tình hình khan hiếm máu, đe dọa đến tình hình điều trị cho bệnh nhân cần truyền máu, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bày tỏ: Chúng tôi mong muốn mọi người đã từng hiến máu nếu có thể giúp chúng tôi 1 tuần trước Tết để có 2.000-3.000 đơn vị máu nhằm dự trữ trong và sau tết. Với tình hình này thì 2-3 ngày nữa thôi thì chỉ còn 1.000-2.000 đơn vị máu trong kho. Với lượng máu như vậy nếu không tiếp nhận nữa chắc chắn chúng tôi chỉ còn 1.000 đơn vị máu đến tết.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch cho người đến hiến máu, TS. Bạch Quốc Khánh cho biết, BV thực hiện quyết liệt 5K. “Năm 2020 Viện tiếp nhận trên 1,4 triệu đơn vị máu an toàn-không có chuyện gì xảy ra, đặc biệt cao điểm tháng 3, 4, 7. Chúng tôi tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn quy định của Chính phủ về phòng chống Covid-19. Chúng tôi nghĩ việc triển khai như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho người hiến máu khi đi hiến máu tại cơ sở y tế.

Chúng tôi mong muốn những người đã từng tham gia hiến máu có thể giúp chúng tôi ít nhất có 2.000-3.000 đơn vị máu từ giờ đến Tết Nguyên đán. Nếu mọi người không sắp xếp được thời gian hiến máu trước tết thì chúng tôi mong ngay tuần đầu tiên sau Tết hãy đến giúp chúng tôi vì đó cũng là thời điểm căng thẳng bệnh nhân cần truyền máu”, TS. Bạch Quốc Khánh kêu gọi.

Nguyễn Hà My (bên phải) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cùng mẹ và bố hiến tiểu cầu ngày 4-2 (ảnh P.C)

Nguyễn Hà My (bên phải) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cùng mẹ và bố hiến tiểu cầu ngày 4-2 (ảnh P.C)

Có mặt hiến tiểu cầu cùng bố và mẹ, em Nguyễn Hà My, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, em đã tham gia hiến máu lần thứ 3 và đây là lần đầu tiên em hiến tiểu cầu. Lý do Hà My đi hiến máu trong dịch bởi: Đợt này em thấy thiếu máu nhóm O mà em thuộc nhóm máu O nên đi hiến để hỗ trợ mọi người điều trị. “Mặc dù dịch Covid-19 phức tạp nhưng em không cảm thấy lo lắng vì BV thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch”.

Bố của Hà My là anh Nguyễn Chí Toàn, ở Hà Nội rất vui vì đã cùng gia đình tham gia hiến máu trong dịp đặc biệt này. Anh Toàn chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên đi cả gia đình cùng nhau đi hiến máu mà ngay từ khi con gái đủ tuổi hiến máu cháu đã tham gia hiến máu để chia sẻ với cộng đồng. Trong dịp dịch bệnh Covid-19, biết tình trạng máu bị thiếu nên gia đình anh bố trí thời gian để cùng nhau hiến máu giúp bệnh nhân trong lúc viện máu đang khan hiếm.

Đến nay đã có 30 đơn vị xin hoãn, hủy lịch tổ chức hiến máu với hơn 8.000 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận. Trong 4 ngày (29-1 đến 1-2), Viện chỉ tiếp nhận được hơn 1.300 đơn vị máu; trong khi nhu cầu máu các ngày bình thường cần cung cấp là 1.200-1.500 đơn vị. Tính đến 9g sáng ngày 2-2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 7.500 đơn vị máu. Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, TP (với diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân).

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là NHÓM O, NHÓM A) và hiến tiểu cầu từ nay đến hết tháng 2-2021; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thieu-tram-trong-mau-dieu-tri-do-nhieu-noi-hoan-huy-lich-to-chuc-hien-mau-227338.html