Thổ Nhĩ Kỳ: Gian nan giải quyết nhu cầu cứu trợ nhân đạo

Truyền thông quốc tế những ngày gần đây đăng tải nhiều bài viết nhìn lại thảm họa động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cũng như cảnh sống lầm than của người dân sau nửa năm. Nổi bật trong đó, nhiều người sống sót sau thảm họa tiếp tục phải sống lay lắt trong nỗi đau mất mát người thân và điều kiện sống tệ hại.

Máy xúc dọn đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reutes

Máy xúc dọn đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reutes

Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, một phần không nhỏ trong số 3 triệu người mất nhà cửa vẫn sống trong những lều bạt tạm bợ, những container chật chội thiếu thốn hầu hết tiện nghi sinh hoạt cơ bản và sinh kế cũng biến mất chỉ sau một đêm cùng trận động đất. Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực và điều kiện sống hơn hẳn quốc gia láng giềng Syria, vì vậy, tình cảnh của người dân ở Syria thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều so với người dân ở bên kia biên giới.

Theo giới quan sát khu vực, thời điểm trước khi thảm họa xảy ra, người dân Syria vốn đã sống trong điều kiện thiếu thốn vật chất, bởi hệ lụy từ 12 năm xung đột. Trận động đất vào đầu tháng 2/2023 không chỉ làm sụp đổ những “cơ ngơi” ít ỏi của người dân vốn cần hỗ trợ nhân đạo, mà còn làm nhu cầu này thêm bội phần cấp thiết, trầm trọng. Nhận định của Giám đốc Văn phòng Thổ Nhĩ Kỳ của tổ chức nhân đạo CARE Sherine Ibrahim, nhu cầu nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất là vô cùng lớn và còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Ở bức tranh tổng thể toàn cầu, theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), nhu cầu nhân đạo trên toàn thế giới trong năm 2023 tăng vọt ở mức 30% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022, tiếp tục ở mức kỷ lục với hơn 360 triệu người cần hỗ trợ. Theo thống kê của LHQ, có hơn 110 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa; 260 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, gồm 45 triệu người ở 37 quốc gia đối mặt với nạn đói...

Theo LHQ, dù nhu cầu viện trợ gia tăng là một thực tế biến đổi nhưng nguyên nhân gây ra khủng hoảng nhân đạo hầu như không thay đổi, gồm: Xung đột; khủng hoảng kinh tế; dịch bệnh; trì trệ phát triển bền vững; thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan. Đây là những nguyên do chủ yếu khiến cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương ngày càng khó khăn và cần nhiều hơn sự hỗ trợ.

Dẫn giải về mức độ nghiêm trọng của nhu cầu viện trợ, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho hay, trên thế giới, cứ 23 người thì có 1 người cần cứu trợ, con số này đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống nhân đạo toàn cầu. Ước tính, đến tháng 6/2023, cần có 54,8 tỷ USD để hỗ trợ cho 249 triệu người trong tổng số 360 triệu người trên thế giới cần hỗ trợ nhân đạo, tăng 8,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nguồn tài chính dành cho hỗ trợ nhân đạo rất hạn chế, thậm chí là còn kém xa nhu cầu thực tế. Mặt khác, ở một số nơi, đội ngũ hỗ trợ nhân đạo còn trở thành mục tiêu cho các vụ tấn công. Thống kê từ LHQ, từ năm 2013 đến 2022, đã có 127 nhà hoạt động nhân đạo thiệt mạng; số vụ tấn công nhân viên nhân đạo năm 2022 là 444 vụ; số vụ bắt cóc tăng mạnh lên 185 người... Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do căng thẳng địa chính trị, sự coi thường pháp luật nhân đạo quốc tế... khiến công việc này trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định, song hành với nỗ lực củng cố hệ thống nhân đạo là phải tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn và giải quyết xung đột, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết khủng hoảng khí hậu...

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, hơn lúc nào hết, thế giới cần chú trọng hợp tác hiện thực hóa hiệu lực của các giải pháp hòa bình; đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, ứng phó mạnh mẽ hơn với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn... Đây là những lực đẩy căn bản để tạo ra sự bền vững cho các nỗ lực nhân đạo.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tho-nhi-ky-gian-nan-giai-quyet-nhu-cau-cuu-tro-nhan-dao-post465217.html