Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc: Thân bạn mới, không quên bạn cũ

Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến thăm đến Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Báo TG&VN tổng hợp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 2/7. (Nguồn: AP)

Trước đó, ngày 15/6, Tổng thống Erdogan và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Dushanbe, Tajikistan.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Erdogan một phần liên quan đến mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong thời gian qua, song mục tiêu chính là nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương Ankara - Bắc Kinh.

Hiện tại, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đều gặp một số khó khăn về kinh tế. Bắc Kinh đang lâm vào cuộc xung đột thương mại căng thẳng với Washington, trong khi những khúc mắc giữa Ankara - Washington cũng chưa có dấu hiệu sẽ sớm được xử lý ổn thỏa. Việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran càng gây thêm khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, vốn là hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Tehran.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng ì ạch. Đồng Lira bị mất giá, giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Trong bối cảnh đó, Ankara đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế cũng như đa dạng hóa các liên minh quốc tế. Giám đốc Văn phòng Quỹ German Marshall tại Ankara Ozgur Unluhisarcikli nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập liên minh mới với các nước như Nga, Trung Quốc trong khi vẫn là thành viên NATO”.

Trên China Daily, Giáo sư Ma Xiaolin (Đại học Nghiên cứu quốc tế Chiết Giang) cho rằng, kinh tế của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bổ sung cho nhau trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, đặc biệt là triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Như vậy, việc đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi “vũng lầy” kinh tế, đồng thời là một phần trong sự thay đổi chiến lược sang phía Đông của Ankara. Nằm ở vị trí giao lưu Đông - Tây, Ankara nhận thấy họ có thể thu được lợi ích từ việc hợp nhất sáng kiến “Hành lang trung tâm” của mình với BRI của Trung Quốc. Đây được cho là sự mở đầu cho một tuyến thương mại Đông – Tây hoàn toàn mới.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với Trung Quốc để triển khai nhiều dự án trong khuôn khổ BRI. Mới đây, một công ty của Trung Quốc trúng thầu xây dựng đường sắt cao tốc nối thủ đô Ankara với thành phố Istanbul. Chính phủ Erdogan cũng đồng ý để nhà cung cấp viễn thông ZTE của Trung Quốc tham gia xây dựng sân bay mới lớn nhất thế giới ở Istanbul.

Rõ ràng, mối quan hệ đồng minh bị rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thời gian qua đã khiến Tổng thống Erdogan phải tích cực tìm kiếm cơ hội mới từ các cường quốc như Nga hay Trung Quốc. Dù vậy, quan hệ Ankara - Washington được cho là sẽ không bị phá vỡ bởi các toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan chỉ muốn cho Mỹ thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều lựa chọn để phát huy tối đa các lợi ích chiến lược về quân sự - kinh tế.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tho-nhi-ky-trung-quoc-than-ban-moi-khong-quen-ban-cu-96963.html