Thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng xã hội

Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã đến được 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng dư nợ các chương trình TDCSXH đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (CT40) của Ban Bí thư, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ vay. Nhờ đó, đã có hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…

Thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng xã hội

ĐẶNG HÀ MY

Thứ Ba, 21-07-2020, 16:11

+ | Print

Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã đến được 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng dư nợ các chương trình TDCSXH đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (CT40) của Ban Bí thư, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ vay. Nhờ đó, đã có hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện CT40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về TDCSXH do Ban Kinh tế T.Ư (KTT.Ư) chủ trì phối hợp Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban KTT.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 5 năm qua, vốn TDCSXH đã đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; tổng nguồn vốn đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so giai đoạn trước khi có CT40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng. Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25.000 tỷ đồng so cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình TDCSXH đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (+69,6%) từ khi có CT40, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn. Nhờ đó, đã có hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách… Bên cạnh đó, đã có gần 346.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn VBSP để tiếp tục học tập, vươn lên trong cuộc sống; hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn VBSP để tạo việc làm cũng như 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình TDCSXH theo tinh thần CT40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, triển khai TDCSXH một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Trưởng Ban KTT.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định, TDCSXH là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nhờ thực hiện có hiệu quả CT40 đã huy động được thêm nguồn vốn tại địa phương, nên số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn từ VBSP ngày càng tăng. Đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại VBSP chiếm 24,8% tổng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn VBSP, chiếm 46%; dư nợ bình quân 38 triệu đồng/hộ. Đồng bào DTTS còn khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời để lại là “không có thì xin”, “vay thì phải trả”, VBSP đưa ra hai con số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,6%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 4,5% tạo sự yên tâm thật sự khi quyết định chuyển vốn qua VBSP.

Chia sẻ những ấn tượng đặc biệt với các thành tựu mà VBSP đã đạt được, ông Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, với tổng số hơn 6,5 triệu hộ gia đình được vay vốn, dư nợ gần 10 tỷ USD, VBSP đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay tiềm năng và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam.

Theo các đại biểu, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn CT40 trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai TDCSXH, để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, Ban KTT.Ư đã đưa ra giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho TDCSXH. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình TDCSXH; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện CT40 trong thời gian tới. Đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống NHCSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi “tín dụng đen”. VBSP cần tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/thoat-ngheo-nho-chinh-sach-tin-dung-xa-hoi-609492/