Thời cơ của doanh nghiệp thực phẩm

Việt Nam có trên 11 nghìn DN trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, là ngành kinh tế quan trọng và có tiềm năng phát triển lớn

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định, thực phẩm và đồ uống hiện là ngành sản xuất kinh doanh hấp dẫn nhất, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng trong khu vực châu Á. Việt Nam cũng là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tiềm năng lớn. Bởi thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu) của người tiêu dùng Việt. Trong đó, bia, đồ uống không cồn và thực phẩm là 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng nhanh hơn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia dự án Hỗ trợ thương mại đa biên - Mutrap (Bộ Công thương), lợi thế lớn nhất của ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống Việt Nam là DN có nguồn nguyên liệu (nguồn gốc từ nông sản) trong nước phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ. Cùng với đó, giá lao động rẻ dẫn đến chi phí sản xuất thấp, có khả năng cạnh tranh về giá tốt ở thị trường tiêu thụ nội địa và hướng đến tăng xuất khẩu.

Tiềm năng phát triển thị trường thực phẩm đồ uống Việt Nam được các DN đánh giá cao

Tiềm năng phát triển thị trường thực phẩm đồ uống Việt Nam được các DN đánh giá cao

Tiềm năng phát triển thị trường đối với ngành sản xuất thực phẩm đồ uống Việt Nam được các DN đánh giá cao, với tỷ lệ 43%, cao nhất so với các nhóm ngành hàng khác (như nhà ở, vật liệu xây dựng 10,2%, hàng hóa dịch vụ hộ gia đình 9%, quần áo giày dép 7,3%...). Trong tương lai, tiềm năng thị trường xuất khẩu ngành hàng này cũng được đánh giá cao, với các thị trường chính là ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Đặc biệt, với một loạt các Hiệp định thương mại tự do đã ký của Việt Nam, thực phẩm, đồ uống Việt Nam phần lớn có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu trọng điểm tự do (không có thuế quan).

Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, người tiêu dùng còn dễ dàng truy cập các xu thế ẩm thực mới nhất qua mạng xã hội, đặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống, giao đồ ăn và đặt bàn ăn tại các khu ẩm thực, nhà hàng… Thực phẩm và đồ uống hiện đứng thứ 2/10 sản phẩm được giao dịch trực tuyến nhiều nhất thông qua các ứng dụng giao nhận tận nơi trên điện thoại thông minh. Các DN trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống cũng tăng cơ hội tiếp cận thị trường bằng việc thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa, đóng gói sản phẩm nhỏ, phù hợp nhu cầu của cá nhân, dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi; hướng tới cung cấp các bữa ăn tươi, nhanh, gọn, mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.

Đây chính là cơ hội lớn để DN thực phẩm đồ uống phát triển ngày càng mạnh tại Việt Nam. Và các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) DN, thương hiệu trong ngành thực phẩm đồ uống cũng diễn ra sôi động trong thời gian qua, cả về số lượng và chất lượng. Các tên tuổi lớn như Thành Thành Công, Kido, Pan Group… có lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ, khi đầu tư vào Việt Nam đã góp phần khắc phục điểm yếu của ngành như quy mô nhỏ hẹp, nguồn vốn hạn chế, trình độ quản lý chưa cao, khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa cao…

Theo bà Hồ Thiên Trang - cán bộ truyền thông Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (VINEXAD), thực phẩm và đồ uống đang trở thành một trong những ngành hấp dẫn nhất Việt Nam. Vì vậy, hàng năm Vinexad tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm Đồ uống và Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống(VIETFOOD & BEVERAGE - PROPACK) với quy mô lớn. Qua đó, với sự tham gia đông đảo của các DN cả trong và ngoài nước cho thấy sức hút và tiềm năng của thị trường thực phẩm đồ uống Việt Nam.

Thanh Trà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thoi-co-cua-doanh-nghiep-thuc-pham-90436.html