Thời của tiết kiệm

'Kỷ nguyên Covid- 19' là cụm từ được nhắc đến ngay trong chủ đề của Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam diễn ra hồi tháng 9, với hàm ý còn phải chung sống dài lâu với con virut này.

Ảnh minh họa

Chung sống, có nghĩa là phải sẵn sàng chấp nhận sự bất trắc cho nền kinh tế có thế quay trở lại bất kỳ lúc nào.

Một cách sẵn sàng ở mức cao nhất có thể, Chính phủ xác định rõ thời của đại dịch cũng phải là thời của tiết kiệm đối với cả hệ thống chính quyền, toàn thể đội ngũ cán bộ công chức phải làm quần quật, tiết kiệm từng đồng để đảm bảo sự an toàn cho túi tiền quốc gia. Hiển nhiên, Chính phủ phải có những giải pháp kích cầu mạnh trong dân để vực dậy kinh tế, nhưng đã là nhà nước, là phải tiết kiệm.

Cũng có “may mắn” giúp cho cán bộ nhà nước ít thấy khổ sở hơn khi thực hành tiết kiệm là hầu khắp các quốc gia trên thế giới đều hạn chế “bay vào bay ra”, nên chỉ tiêu cắt 70% chi phí đi công tác nước ngoài theo lệnh của Chính phủ, là dễ dàng thực hiện. Nhưng kể cả khi không dễ dàng thực hiện, thì cũng phải hết sức thực hiện, bởi thời của tiết kiệm, mọi diễn biến liên quan đến chi đều trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.

Có thể kể đến việc chi phục vụ cho Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh của các địa phương. Dù 5 năm mới phải chi một lần, nhưng ở một số nơi không “khéo” chi, ngay lập tức trong dư luận nổi lên những cơn sóng phản đối mạnh mẽ. Nhiều địa phương phải rút lại ý định mua sắm cặp da, bút viết, áo vest và bình gốm dự kiến làm quà tặng cho đại biểu dự Đại hội.

Không phải cứ chuẩn bị quà tặng là bị phản đối. Cũng là quà tặng, như Đà Nẵng, địa phương này dự định dành tặng cho đại biểu dự Đại hội là sách “Đà Nẵng thành tựu và khát vọng". Sách dày 532 trang, phát hành 1.000 bản (không bán), nội dung gồm bài viết của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành nêu dấu ấn và định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới; chi phí in mỗi cuốn hơn 100.000 đồng, không gặp phải điều ra tiếng vào gì. Thế mới càng hiểu người dân luôn rất công bằng trong đánh giá, nhất là đánh giá chi tiêu thời của tiết kiệm.

Một chuyển biến rất đáng mừng, các địa phương ngày càng đề cao hơn tinh thần tiết kiệm. Tỉnh Quảng Nam quyết định không dùng tiền ngân sách để mua quà tặng cho các đại biểu dự Đại hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên sắp tới, tỉnh này sẽ không tặng bất kỳ món quà nào cho đại biểu ngoài chế độ theo quy định và chiếc cặp bằng giấy giả da đựng tài liệu.

Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang đã có công văn gửi các địa phương, cơ quan đơn vị về việc không nhận hoa chúc mừng đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Nghệ An sẽ tối giản trong các khâu trang hoàng, trang trí, cơ bản không tiếp nhận hoa chúc mừng; cắt chương trình văn nghệ và chương trình chào mừng đại hội, các ấn phẩm sử dụng cho đại biểu dự đại hội cũng được tối giản nhất.

Công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ của tỉnh Long An cũng thực hiện tinh thần tiết kiệm triệt để. Phó Bí thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết: "Long An chủ động cắt giảm. Chẳng hạn, một người phải phục vụ một lúc nhiều tiểu ban nhưng chỉ được hưởng bồi dưỡng một nơi. Tiết kiệm ở mức cao nhất có thể là vấn đề được Long An quán triệt đến tất cả đảng viên”…

Mục tiêu ưu tiên trong năm 2020 là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhiều yếu tố tác động đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, thì tiết kiệm là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm cần phải làm quyết liệt hơn.

Một trong những người phấn khởi nhất trong thời của tiết kiệm có lẽ là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Tình hình ngân sách năm 2020 mặc dù rất khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhờ tiết kiệm nên ngân sách nhà nước có thể có nguồn để bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “so với 2013 - 2014, dư địa tăng chi ngân sách của Việt Nam đang rất rộng, Bộ Tài chính hoàn toàn có khả năng thu xếp được việc chi cho phục hồi tăng trưởng, ổn định xã hội”.

Đoàn Trần

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-10-12/thoi-cua-tiet-kiem-93313.aspx