Thời điểm uống cà phê đem lại nhiều lợi ích
Mọi người thường có thói quen uống cà phê vào buổi sáng nhưng không phải giờ nào cũng phù hợp.
Nhiều người có thói quen uống cà phê buổi sáng bởi hương vị thơm ngon, khả năng giúp chúng ta tỉnh táo. Ngoài ra, đồ uống này giàu chất chống oxy hóa, hỗ trợ tập trung và cải thiện tâm trạng.
Theo bác sĩ người Anh Andrew Greenland, phản ứng của cơ thể với cà phê rất khác nhau tùy từng người, phụ thuộc vào mức độ căng thẳng, chất lượng giấc ngủ và giới tính.
Theo Mirror, thời điểm phù hợp nhất để uống cà phê là từ 10-11h. Khi đó, cà phê giúp tăng năng lượng mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người đợi khoảng 90-120 phút sau khi thức dậy mới uống ly cà phê đầu tiên thường có mức năng lượng ổn định hơn và hormone cân bằng hơn trong suốt ngày dài.

Bạn nên uống cà phê vào tầm 10-12h. Ảnh minh họa: Ban Mai
Bác sĩ Greenland cũng cảnh báo rằng uống cà phê khi bụng đói có thể khiến hệ thần kinh bị kích thích mạnh, đặc biệt ở những người đang căng thẳng hoặc có rối loạn nội tiết. Vì vậy, bạn cần đảm bảo đã ăn gì đó trước khi uống cà phê buổi sáng.
Một lưu ý quan trọng dành cho phụ nữ là uống cà phê trong nửa sau chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra cảm giác khó chịu. “Vấn đề nằm ở cách cà phê tương tác với cơ thể, mức độ căng thẳng, chu kỳ ngủ - thức và hormone. Có người uống vẫn ổn nhưng cũng có người thấy sức khỏe giảm sút mà không nhận ra nguyên nhân do cà phê. Mỗi người nên tự đánh giá điều gì phù hợp với thể trạng và nội tiết của mình”, bác sĩ Greenland kết luận.
Ai không nên uống cà phê
1. Người bị rối loạn lo âu: Caffeine trong cà phê là chất kích thích có thể làm tăng nhịp tim, gây bồn chồn và cảm giác lo lắng khiến tình trạng rối loạn, lo âu trở nên tồi tệ hơn. Theo Harvard Health Publishing, caffeine có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu, đặc biệt ở những người nhạy cảm với chất kích thích hoặc bị rối loạn hoảng sợ. Việc cắt giảm hoặc loại bỏ caffeine thường giúp cải thiện sự ổn định cảm xúc.
2. Người bị rối loạn giấc ngủ: Cà phê có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ, đặc biệt nếu được uống vào buổi chiều hoặc tối. Theo Hiệp hội Giấc ngủ, caffeine có thể tồn tại trong máu từ 6 đến 8 tiếng, gây khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Người bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ thường được khuyên nên tránh hoàn toàn caffeine.
3. Phụ nữ mang thai: Uống quá nhiều caffeine trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng caffeine dưới 200mg mỗi ngày, tương đương một ly cà phê 350ml. Với những người nhạy cảm, nên sử dụng lượng thấp hơn.
4. Người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao: Caffeine có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim trong thời gian ngắn. Với những người bị cao huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim, điều này có thể gây nguy hiểm. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mọi người nên hạn chế caffeine nếu thấy xuất hiện cảm giác hồi hộp hoặc huyết áp tăng.
5. Người bị trào ngược axit hoặc viêm loét dạ dày: Cà phê có tính axit và có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, khiến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn. Người mắc các vấn đề tiêu hóa nên tránh cà phê để giảm kích ứng và khó chịu.