'Thời điểm vàng' để đầu tư chứng khoán?
VN-Index đang tiến gần mức đỉnh cũ khiến nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt lại rơi vào trạng thái 'tiến thoái lưỡng nan'. Tuy nhiên, với những dự báo lạc quan về VN-Index, chuyên gia cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong chuỗi ngày tăng “nóng”. Chốt phiên 24/7, VN-Index tiếp tục tăng lên 1.521,02 điểm, cán mốc đỉnh mới trong hơn 3 năm và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 20 điểm. Nếu tính từ "cú sốc" thuế quan hồi đầu tháng 4/2025, VN-Index đã hồi phục mạnh mẽ tới 420 điểm.
Vẫn là kênh đầu tư tiềm năng
Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt lại rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”: "vào hàng" thì sợ "đu đỉnh", đứng ngoài thì tiếc "nhịp sóng".
Nhìn chung, theo giới phân tích, đợt tăng này không phải là "sóng mù" thiếu nền tảng. Dòng tiền nội ồ ạt chảy vào thị trường, với thanh khoản nhiều phiên gần đây vượt 1 tỷ USD, thậm chí 30.000 tỷ đồng là tín hiệu tích cực.
Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tâm lý thị trường: chính sách tiền tệ vẫn được điều hành linh hoạt, triển vọng nâng hạng TTCK vẫn còn đó, và mùa báo cáo tài chính quý II có nhiều điểm sáng.

Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”: "vào hàng" thì sợ "đu đỉnh", đứng ngoài thì tiếc "nhịp sóng".
Kết quả báo cáo tài chính nửa đầu năm 2025 cho thấy tín hiệu tích cực khi cả 3 nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây là nền tảng giúp các doanh nghiệp niêm yết cải thiện lợi nhuận và thúc đẩy dòng tiền quay lại TTCK.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) đánh giá các yếu tố vĩ mô đã rõ ràng và theo đúng dự báo. Tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp, và tỷ giá tăng mạnh.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn bơm USD vào nền kinh tế để hỗ trợ tỷ giá, thay vào đó, Kho bạc chào mua USD 11 lần, tổng 1,9 tỷ USD để bơm tiền vào nền kinh tế. Ngoài ra, NHNN cũng không còn hút tiền từ hệ thống ngân hàng như giai đoạn 2023-2024. Theo NHSV, đây bản chất đều là bơm tiền vào nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9%, gấp 1,6 lần so với mức tăng trưởng 6,1% cùng kỳ 2024. Thủ tướng yêu cầu sớm bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, và xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7; Quốc hội chính thức luật hóa Nghị quyết 42, “chốt” quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
NHSV cho rằng, ưu tiên chính sách năm 2025 là dồn mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, cụ thể là tăng trưởng tín dụng cao và duy trì lãi suất thấp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể tăng lên 16,8%. Lạm phát và tỷ giá là 2 yếu tố cản trở chính sách lãi suất thấp. NHSV đánh giá áp lực lạm phát trong năm 2025 là không lớn nhưng tỷ giá là nỗi lo. Dù vậy, NHNN có thể sẽ không tăng lãi suất vì tỷ giá để giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, với môi trường lãi suất thấp, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư được ưu tiên. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác đang đối mặt nhiều bất lợi. Vàng đã tăng tới 81% kể từ năm 2022, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh mạnh và khó giao dịch khối lượng lớn. Bất động sản giá cao, thanh khoản yếu; còn trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi sau giai đoạn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đều chung nhận định TTCK vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư tiềm năng.
Nhiều dự báo lạc quan về VN-Index
Trong báo cáo chiến lược mới đây, SGI Capital cho rằng TTCK đã vượt qua cú sốc và nỗi sợ về thuế quan Mỹ để hướng sự chú ý tới các tiêu điểm tiếp theo sẽ xảy ra trong nửa cuối năm như triển vọng nâng hạng và sự lan tỏa và tăng tốc của tăng trưởng.
"Mức định giá hấp dẫn, với triển vọng được FTSE nâng hạng ngày một rõ ràng hơn cùng với tốc độ tăng trưởng cao đang giúp TTCK Việt Nam có sức hút đặc biệt với dòng vốn ngoại sau khi bị bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD trong suốt 4 năm qua ", đội ngũ phân tích cho hay.
SGI nhận định, sau những đợt tăng nóng của giá bất động sản, giá vàng và cả Crypto, chứng khoán là kênh tài sản lớn duy nhất còn lại vẫn đang rẻ và nằm dưới đỉnh 2022. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu, lợi nhuận vượt đỉnh 2022 với triển vọng tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ và mức trả cổ tức tiền mặt vượt xa lợi tức cho thuê bất động sản và có thể so sánh với kênh tiền gửi.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025.
Nhóm phân tích VDSC điều chỉnh vùng P/E mục tiêu cho VN-Index trong 6–8 tháng tới lên mức 13,3x–14,7x (so với 13,5x–14,5x trước đó) nhằm phản ánh các yếu tố hỗ trợ tích cực như chính sách tài khóa – tiền tệ nới lỏng giúp duy trì lãi suất thấp, và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 của FTSE.
"Đánh giá kỳ tháng 3/2025 của FTSE Russell cho thấy khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi là rất gần", VDSC nhận định.
Khi nâng hạng thành hiện thực, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn toàn cầu quy mô khoảng 1 tỷ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá.
Nhận định về diễn biến thị trường ở giai đoạn hiện tại, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng thị trường tăng “nóng” khi triển vọng nâng hạng trở thành câu chuyện chi phối.
Thông thường tỷ lệ P/E (giá trên thu nhập) của thị trường chạy trong khoảng từ 10 – 20 lần. Hai đợt đỉnh gần nhất của TTCK Việt Nam, P/E đều ở mức trên 20 lần. Năm 2018, P/E vào khoảng 21 lần, đến 2021 – 2022, P/E khoảng 19 lần. Hiện nay, P/E thị trường mới chỉ khoảng hơn 16 lần, tức vẫn còn cách 20% so với đỉnh.
Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng thêm khoảng 15% trong một năm tới, giúp kéo P/E thấp hơn. Do vậy có thể kỳ vọng câu chuyện VN-Index đạt được tối thiểu 1.800 – 1.900 điểm.
Cũng theo ông Đức, để chữa bệnh “full tiền”, nhà đầu tư cần mua vào ngay trong nhịp điều chỉnh gần nhất, cố gắng nâng tối thiểu tỷ trọng cổ phiếu lên 50%.
Trong thị trường giá lên (bull market), nhà đầu tư không bao giờ nên giữ dưới 70% danh mục là cổ phiếu, bất chấp rung lắc thế nào. Trong tháng 7 này, nhà đầu tư nên bắt đầu mua vào cổ phiếu khi thị trường có điều chỉnh. Trong những đợt điều chỉnh giữa chu kỳ, các cổ phiếu chưa tăng sẽ không giảm nhiều.
"Nhà đầu tư nên ưu ái giải ngân nhóm cổ phiếu chứng khoán, đầu tư công, ngân hàng, bán lẻ… ngay trong nhịp điều chỉnh này và không nên chờ đợi quá lâu. Thị trường cũng sẽ chỉ giảm xuống tối đa 1.370 – 1.380 điểm, phải giải ngân dần và tránh chờ đợi đến thời điểm đáy rồi mới mua", chuyên gia VPBankS nhấn mạnh.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thoi-diem-vang-de-dau-tu-chung-khoan-1108385.html