Thời khắc lịch sử của nước Nga

Hàng triệu cử tri Nga đã tới hàng trăm nghìn điểm bỏ phiếu trên khắp nước Nga để thực hiện quyền của mình trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Đây sẽ là cuộc thay đổi luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Nga.

Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý đi vào lịch sử nước Nga bởi nó diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang rầm rập tấn công nước Nga và nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Nga đã từng phải hoãn lại cuộc trưng cầu dân ý được lên kế hoạch vào cuối tháng 4 nhưng đến nay nó mới được tổ chức với thời gian kéo dài tới 1 tuần, từ ngày 25/6-1/7 nhằm tránh cho người dân tụ tập đông người phòng dịch bệnh. Thậm chí, nước Nga còn cho phép người dân bỏ phiếu theo hình thức trực tuyến hay người dân được nghỉ làm hưởng nguyên lương để tham gia bỏ phiếu...

Dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga đã được hai viện Quốc hội là Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) thông qua từ tháng 3/2020. Dự luật chỉ có hiệu lực khi nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri Nga. Tổng thống V.Putin kêu gọi người dân tham gia bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp nhằm bảo đảm “sự ổn định, an ninh và thịnh vượng”. Ông Putin cho rằng: “người dân Nga đi bỏ phiếu vì một quốc gia với nền giáo dục và y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội vững chắc, chính quyền hiệu quả, có trách nhiệm với xã hội”. Ông Putin nhấn mạnh đoàn kết sẽ giúp nước Nga giải quyết được những nhiệm vụ khó khăn nhất trong những thời khắc phức tạp nhất.

Tổng thống Nga kêu gọi người dân đi bầu cử sửa đổi hiến pháp mới vì một tương lai tốt đẹp của nước Nga.

Tổng thống Nga kêu gọi người dân đi bầu cử sửa đổi hiến pháp mới vì một tương lai tốt đẹp của nước Nga.

Nước Nga sẽ thay đổi thế nào?

Đề xuất sửa đổi bao gồm việc mở rộng quyền lực của Quốc hội như chuyển một số quyền lực từ Tổng thống sang Duma Quốc gia và Tòa án Hiến pháp; ưu tiên Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế; mở rộng nghĩa vụ của Chính phủ trong các vấn đề xã hội; nghiêm cấm việc quan chức Nga nhập quốc tịch nước ngoài, có quốc tịch kép; ứng cử viên Tổng thống phải có thời hạn cư trú ở Nga 25 năm; điều chỉnh mức lương tối thiểu, lương hưu; củng cố nhiều điều khoản liên quan tới quyền công dân và quyền con người...

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận Nga và thế giới đó là việc sửa đổi nhiệm kỳ của tổng thống. Hiến pháp cũ quy định, một người không được nắm giữ chức vị Tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ. Nhưng với lần sửa đổi Hiến pháp này, nhiệm kỳ của các cá nhân trong đó có các cựu tổng thống và Tổng thống đương nhiệm sẽ được tính lại từ đầu.

Như vậy, nếu Hiến pháp mới được thông qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cơ hội tái cử thêm tối đa 2 nhiệm kỳ nữa, đến năm 2036 nếu ông nhận được sự ủng hộ của người dân Nga trong các cuộc bầu cử Tổng thống, mà gần nhất vào năm 2024.

Nhìn lại lịch sử, năm 2000, ông V.Putin được bầu làm Tổng thống Nga và nắm giữ chức vụ này liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ. Theo Hiến pháp ông không thể tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3. Con đường chính trị của ông sang “một lối đi mới”, ông chấp nhận trở thành Thủ tướng, nhường chỗ cho người cấp phó thân tín của mình là ông Dmitry Medvedev lên cầm quyền. Sau 4 năm, năm 2012, ông Putin trở lại với vai trò Tổng thống và ông Medvedev trở thành Thủ tướng. Điểm khác biệt duy nhất là nhiệm kỳ Tổng thống được nâng từ 4 lên 6 năm.

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2000, nước Nga đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến đối ngoại. GDP của Nga tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2017, Tổng thống Putin đã có công trong việc “kéo” tỷ lệ lạm phát của Nga từ 2 con số xuống chỉ còn 2,5% vào năm 2017, nợ nước ngoài giảm mạnh. Vị thế của Nga trên trường quốc tế có những thay đổi đáng ghi nhận mặc dù trong vài năm trở lại đây, Nga gặp nhiều khó khăn khi bị các nước phương Tây trừng phạt kinh tế. Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông Putin luôn nhận được tỷ lệ ủng hộ trên 65% - một con số tương đối cao. Mức ủng hộ thấp nhất mà Tổng thống V.Putin nhận được trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, chỉ còn 59%.

Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, đại đa số người dân Nga ủng hộ các đề xuất cải cách Hiến pháp, dự thảo sẽ có hiệu lực sẽ mở ra một sự thay đổi luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Nga, đưa nước Nga vào một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới.

Nguyễn Anh

((theo Themoscowtimes, ABCnews))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thoi-khac-lich-su-cua-nuoc-nga-n176521.html