Thời khắc lịch sử trong giai đoạn mới phát triển đất nước và của ngành Kiểm sát nhân dân *
Tại Hội nghị triển khai hoạt động của mô hình VKSND 3 cấp theo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi, bổ sung năm 2025) được VKSND tối cao tổ chức sáng nay (1/7), đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động của toàn Ngành trong giai đoạn mới. Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao.
Thưa các đồng chí !
Sau thời gian khẩn trương, thần tốc thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động của cả hệ thống chính trị; hôm nay (1/7/2025) là một ngày đặc biệt, đánh dấu mốc lịch sử “sắp xếp lại giang sơn”, ngày đầu tiên chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã) và hệ thống VKSND 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực) chính thức hoạt động. Sự kiện trọng đại này đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2/9/1945-2/9/2025); kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành KSND (26/7/1960-26/7/2025) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại thời điểm lịch sử này, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành, với nghi lễ chào cờ thiêng liêng, chúng ta bắt tay vào một ngày làm việc đầu tiên, đánh dấu thời khắc lịch sử trong giai đoạn mới phát triển đất nước và của ngành KSND.
Nhìn lại những tháng vừa qua, toàn Ngành đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đồ sộ, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, với sự nỗ lực, cố gắng, bước đầu chúng ta đã đạt kết quả toàn diện, đúng lộ trình, kế hoạch đề ra; ngành KSND đã hoàn thành việc xây dựng thể chế, chủ trì xây dựng và được Quốc hội thông qua các đạo luật quan trọng, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Nghị quyết VKSND thực hiện thí điểm tố tụng dân sự công ích - nhiệm vụ mới của ngành KSND và các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, ngành KSND đã tinh gọn bộ máy, tiếp tục giữ được chức năng, nhiệm vụ (nhất là Cơ quan điều tra VKSND tối cao) và được tăng thêm nhiệm vụ mới (tố tụng dân sự công ích). Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy 27 đơn vị thuộc VKSND tối cao, 34 VKSND cấp tỉnh (sau hợp nhất), 355 VKSND khu vực; bước đầu bố trí địa điểm, trụ sở và các điều kiện làm việc của VKSND các cấp để chính thức đi vào hoạt động từ ngày hôm nay 1/7/2025.
Trước hết, tôi ghi nhận những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua của 3 VKSND cấp cao, 52 VKSND cấp tỉnh (trước hợp nhất) và toàn bộ hệ thống 693 VKSND cấp huyện trong toàn quốc, đã đóng góp vào thành tích chung của toàn Ngành, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Những kết quả và thành tích mà VKSND các cấp đã đạt được trong thời gian qua, mãi mãi được trân trọng, ghi nhớ là lịch sử đáng tự hào của ngành KSND, là những kỷ niệm đẹp luôn lưu giữ trong ký ức, tình cảm của mỗi chúng ta, luôn khắc ghi và kế thừa, phát huy trong quá trình phát triển của ngành KSND thời gian tới.
Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND các cấp, tôi biểu dương tinh thần tích cực, chủ động của các đơn vị, cá nhân trong thời gian qua đã tham mưu với Đảng ủy, Lãnh đạo VKSND tối cao hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công trong xây dựng thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí địa điểm trụ sở, các điều kiện làm việc và những vấn đề có liên quan.
Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo VKSND các cấp có nhiều năm cống hiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã gương mẫu, xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nhận chức vụ thấp hơn (15 Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và 14 Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh nghỉ hưu trước tuổi; 14 Viện trưởng VKSND cấp tỉnh làm Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh mới (sau hợp nhất); 293 lãnh đạo Viện nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao và lãnh đạo cấp phòng (thuộc VKSND tối cao, cấp cao, cấp tỉnh) không còn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; 105 lãnh đạo VKSND cấp huyện... xin nghỉ hưu trước tuổi và nhiều đồng chí nhận chức vụ thấp hơn... Đến nay, toàn ngành có 430 công chức nghỉ hưu theo Nghị định 178...
Trong đó, nhiều lãnh đạo, quản lý rất tâm huyết, kinh nghiệm, có nhiều cống hiến nhưng rất gương mẫu, trách nhiệm, nhận phần thiệt thòi, để Ngành và đơn vị bố trí, sắp xếp phù hợp, như: Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh.... nghỉ hưu trước tuổi; đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng.... làm Phó Viện trưởng VKSND TP Hải phòng (mới)... Mong rằng các đồng chí tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của ngành KSND trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Thường vụ và Lãnh đạo VKSND tối cao, tôi biểu dương những thành tích, nỗ lực và đóng góp của VKSND các cấp và các đồng chí. Đề nghị chúng ta cho một tràng pháo tay để ghi nhận và cảm ơn!

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng 1/7/2025.
Thưa các đồng chí !
Bắt đầu từ hôm nay (1/7/2025), hệ thống VKSND 3 cấp chính thức đi vào hoạt động. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, với nhiều kỳ vọng đổi mới và phát triển nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức; với quy mô, khối lượng công việc rất lớn cho VKSND tỉnh mới hợp nhất và VKSND khu vực, phức tạp, nhiều nhiệm vụ mới và chưa có tiền lệ; trong đó có những nhiệm vụ trước mắt, lâu dài và cả những nhiệm vụ mới; thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngành; tôi yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND khu vực với trọng trách mới, tâm thế mới, yêu cầu mới, cao hơn trước, phải tập trung cao độ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
I. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
1. Ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động (bắt đầu từ ngày 1/7/2025)
- Các cấp ủy, tổ chức đảng và Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, nhất là một số đơn vị thuộc VKSND tối cao tiếp nhận nhiệm vụ của VKSND cấp cao, VKSND địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất về nhận thức, quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tập trung ổn định tổ chức bộ máy, tiếp nhận bàn giao, phân công nhiệm vụ để hoạt động ngay từ hôm nay (1/7/2025). Trong đó, lưu ý việc: Thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, chuyển sinh hoạt đảng; phân công nhiệm vụ trong tập thể lãnh đạo đơn vị, VKSND địa phương; kiện toàn Ủy ban Kiểm sát và lãnh đạo cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh; chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; phối hợp và phân công kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền luật định.
- Đối với các VKSND cấp tỉnh (23 tỉnh sau hợp nhất) và 355 VKSND khu vực, hầu hết đều có quy mô, biên chế, khối lượng công việc lớn hơn trước. Do vậy, đồng chí Viện trưởng phải sâu sát, kịp thời nắm chắc tình hình, tập hợp đoàn kết, quy tụ tập thể đơn vị mới, phát huy năng lực, sở trường của từng công chức trong đơn vị mới để hoàn thành nhiệm vụ, không được cục bộ địa phương. Thước đo đánh giá năng lực là thành tích của đơn vị mới hợp nhất phải bằng hoặc cao hơn các đơn vị cũ.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức tập huấn các quy định mới của luật, bảo đảm thống nhất về nhận thức và thực hiện (hoàn thành xong trong tháng 7/2025)
- Vụ 14 phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng chỉ thị, kế hoạch thi hành các đạo luật mới được Quốc hội thông qua; tham mưu các dự thảo thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao, Thông tư liên tịch hướng dẫn pháp luật và các quy chế, biểu mẫu nghiệp vụ; đồng thời, sớm tổ chức tập huấn toàn ngành về quy định mới của các đạo luật có liên quan, bảo đảm thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện.
- Vụ 15 phối hợp với Vụ 14 và các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng đề án biên chế 2026-2031; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về tổng biên chế, chức danh tư pháp và những vấn đề liên quan của VKSND 3 cấp mới.
- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế và sửa đổi kịp thời các quy chế, quy định, nhất là Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy trình nghiệp vụ để có căn cứ pháp lý hoạt động.
3. Hoàn thành việc bàn giao (nhiệm vụ, hồ sơ, con dấu) bố trí trụ sở làm việc và các điều kiện để hoạt động thông suốt (từ ngày 1/7/2025)
- Thủ trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND địa phương phải chỉ đạo việc bàn giao (nhiệm vụ, hồ sơ, con dấu) bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Bảo đảm việc chuyển nhiệm vụ của VKSND cấp cao cho VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh theo Nghị quyết chuyển tiếp; bàn giao giữa VKSND các cấp (VKSND cấp huyện bàn giao cho VKSND khu vực; giữa VKSND cấp tỉnh khi hợp nhất) theo đúng quy định.
- Viện trưởng VKSND địa phương phải chỉ đạo bố trí trụ sở làm việc, trực tại các cơ sở (chính và khu vực), bố trí lực lượng hợp lý, đưa đón công chức, nhà công vụ và bảo đảm hoạt động thông suốt ngay từ ngày 1/7/2025. Lưu ý, phải phân công rõ trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, tài sản, phương tiện, kinh phí chặt chẽ, không để lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất lạc.
4. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thực chất, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2025
- Thủ trưởng đơn vị VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND địa phương căn cứ các quy định của luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy chế, quy định của Ngành, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các chỉ tiêu của Quốc hội và kết quả công tác năm 2025; trong đó, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã nêu trong Chỉ thị công tác của Ngành năm 2025; đặc biệt chú ý không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, rà soát vụ việc, vụ án tạm đình chỉ trước khi bàn giao, hợp nhất ở các lĩnh vực (hình sự, dân sự, hành chính) và phân công rõ trách nhiệm thụ lý, chỉ đạo.
- Cục 2 và Văn phòng VKSND tối cao hướng dẫn toàn Ngành thực hiện chế độ báo cáo, thông kê mới, phù hợp với hệ thống VKSND 3 cấp, các quy định mới của luật và thời điểm tổng kết công tác năm 2025 và phục vụ báo cáo Quốc hội.
5. Đổi mới phương pháp công tác, thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm tố tụng dân sự công ích
- Do khối lượng công việc ngày càng tăng, địa bàn hoạt động của VKSND cấp tỉnh, khu vực rộng hơn, nhiều khó khăn, áp lực hơn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, VKSND các cấp phải chủ động, linh hoạt và đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thực chất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ kiểm sát để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực sáng tạo, đổi mới của tập thể, cá nhân VKSND các cấp.
- Nghị quyết về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công (tố tụng dân sự công ích), đã được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và được thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và Đắk Lắk. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, mới, khó và phức tạp, nhưng có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng của Ngành. Yêu cầu Vụ 9, phối hợp với Vụ 14, các đơn vị liên quan và VKSND địa phương khẩn trương phối hợp, tham mưu ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn, Quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị tài liệu tập huấn, rà soát các vụ việc xảy ra ở đia phương để triển khai thực hiện thí điểm có chất lượng, hiệu quả để có căn cứ thuyết phục bảo vệ nhiệm vụ mới của Ngành trong thời gian tới.

Các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và đại biểu dự Hội nghị triển khai hoạt động của mô hình VKSND 3 cấp theo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sáng 1/7/2025.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ đột phá, chiến lược
1. Mục tiêu, định hướng
VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Ngành KSND xác định mục tiêu chiến lược là phấn đấu xây dựng Ngành KSND ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân. Với định hướng tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp theo phương châm “cấp Trung ương tinh; cấp tỉnh mạnh, toàn diện; cấp khu vực gần dân”.
2. Nhiệm vụ đột phá, chiến lược
2.1. Đổi mới công tác cán bộ
Trọng tâm là đổi mới công tác cán bộ, thông qua việc đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ theo năng lực, sở trường và yêu cầu nhiệm vụ; thực chất là phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài, chuyên gia, có tâm, có tầm, bố trí ở các nhiệm vụ trọng yếu, lĩnh vực trọng điểm, nhiệm vụ mới, đặt trong điều kiện hội nhập sâu rộng (giải quyết tranh chấp quốc tế)… để phát huy năng lực và tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ ở VKSND các cấp và của toàn Ngành. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành KSND thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập, phát triển trong kỷ nguyên mới.
2.2. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa toàn diện hoạt động của toàn ngành KSND và liên thông với các hoạt động tư pháp khác để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ngành và kiểm sát quyền lực trong hoạt động tư pháp ngày càng chất lượng, hiệu quả, để khắc phục bất cập biên chế ngày càng tinh gọn nhưng phải đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng lớn và phức tạp hiện nay. Nhiệm vụ này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để toàn Ngành định hướng chuyển đổi số gắn với chuyên môn nghiệp vụ của ngành.
2.3. Tập trung thực hiện tố tụng dân sự công ích, tố tụng hành chính công ích; thúc đẩy cải cách tư pháp góp phần phát triển đất nước, tích cực phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới
Toàn ngành KSND tập trung thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết thí điểm tố tụng dân sự công ích; đồng thời, tiếp tục báo cáo trình phê duyệt đề án tố tụng hành chính công ích, là những nhiệm vụ mới, là định hướng quan trọng của ngành KSND, nhằm kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả và thực chất; đồng thời, cảnh báo, kiến nghị phòng ngừa từ sớm, từ xa thông qua các cơ chế kiểm sát, kiến nghị của VKSND thông qua các lĩnh vực dân sự, hành chính.
VKSND tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện và đề xuất các cơ chế nhằm thúc đẩy cải cách tư pháp (truy tố có điều kiện, mặc cả thú tội hoặc tập trung thực hiện các cơ chế hòa giải các tranh chấp dân sự, hành chính… thay cho cơ chế tố tụng hiện nay…); không ngừng đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, bảo đảm xây dựng nền công tố mạnh, kiểm sát hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước bền vững, bảo vệ lợi ích công, tích cực phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
III. Một số yêu cầu
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy; thường xuyên cập nhật những chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của ngành KSND. Trong đó, các đơn vị thuộc VKSND tối cao (Vụ 14, Vụ 15, Cục 2, Cục 3, Văn phòng và các đơn vị có liên quan) tích cực tham mưu xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy VKSND tối cao, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao để yêu cầu toàn ngành KSND triển khai thực hiện các đạo luật mới và các nhiệm vụ trọng tâm của VKSND 3 cấp.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND khu vực: Tập trung cao độ, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và 3 nhiệm vụ chiến lược nêu trên bảo đảm sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, uy tín và hình ảnh của Ngành; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ Kiểm sát viên, công chức, viên chức và người lao động của toàn Ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ tình hình mới.
3. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, người đứng đầu đơn vị và VKSND các cấp phải tập trung cao độ, lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo, luôn đổi mới, linh hoạt và thích ứng, bảo đảm thành tích của đơn vị mới phải bằng hoặc cao hơn đơn vị cũ, năm sau cao hơn năm trước. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời VKSND cấp trên để được chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.
Phát huy truyền thống của ngành KSND, với sự đoàn kết, thống nhất cao và quyết tâm đổi mới, tôi tin tưởng rằng toàn Ngành tiếp tục tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và thực chất ngay từ ngày 1/7/2025 và sẽ đạt được những kết quả, thành tích cao hơn trong thời gian tới.
Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn!.
(* Đầu đề do Báo Bảo vệ pháp luật đặt)