Thời xưa xử phạt, giáng chức quan sai phạm thế nào?

Thời nào cũng vậy, từ khi có nhà nước, có hình luật, thì có công được thưởng, có tội bị phạt. Quan chức thời xưa cũng vậy, phạm tội đều bị xử phạt nặng nhẹ tùy mức độ khác nhau.

Hiện chúng ta không lưu giữ được hình luật các triều đại Lý, Trần, nhưng các ghi chép trong chính sử đều ghi rất nhiều trường hợp quan lại phạm luật bị cách chức, xử phạt.

Người bị giáng chức đầu tiên trong chính sử có lẽ là Lê Bá Ngọc, quan thời Lý Nhân Tông. Ông vốn là bề tôi có Nho học được vào hầu vua, trải thăng đến chức Hữu thị lang bộ Lễ. Theo sách Việt sử thông giám cương mục, năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), ông mắc lỗi, bị giáng xuống làm chức Nội hỏa thư gia, đến năm 1121 mới được thăng lại làm Nội thường thị, rồi đến năm 1124, lại được thăng làm Thị lang bộ Lễ.

Quan lại triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Quan lại triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Ông có công đánh người Nùng làm phản ở Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay), rồi phò vua Thần Tông mới lên ngôi, nên được thăng lên chức Thái úy, được cho đổi họ Trương, sau lại thăng lên chức Thái sư. Dù từng bị giáng chức, nhưng sách Nhân vật chí, trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đánh giá: “Ông nhận sự ký thác làm đến bấc ư phó, công cao vọng trọng, lừng lẫy hai triều, là người giúp việc đứng đầu trong thời ấy".

Bộ hình luật còn lại đến nay của triều Lê, Quốc triều hình luật, ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông, còn được gọi là Luật Hồng Đức, cho biết với các quan chức phạm luật, có các hình thức xử phạt gồm phạt tiền, biếm (giáng cấp), bãi chức, đồ (lao động khổ sai), lưu (đi đày ở nơi xa kết hợp lao động khổ sai), và mức án cao nhất, tất nhiên là xử tử.

Nguyễn Công Trứ là vị quan từng nhiều lần bị giáng chức rồi thăng chức ở thời nhà Nguyễn.

Nguyễn Công Trứ là vị quan từng nhiều lần bị giáng chức rồi thăng chức ở thời nhà Nguyễn.

Ví dụ như trong Điều 698 Luật Hồng Đức, tức điều 41 chương Đoán ngục (Xử án) quy định: “Quan các lộ nhận đơn kêu oan bậy, xử biếm một tư và phạt tiền 5 quan, dùng tiền ấy thưởng người tố cáo. Lỗi nặng thì bãi chức”.

Về hình phạt “biếm tư” thì quan chức thời xưa được chia thành cửu phẩm (9 hạng), từ hàm quan nhất phẩm đến quan cửu phẩm, mỗi phẩm lại chia làm hai bậc chánh và tòng. Mỗi bậc lại chia thành nhiều “tư”. Các quan lại có thành tích sẽ được thưởng một vài “tư”, đến khi phạm lỗi bị phạt sẽ lấy số “tư” đó để đổi nhằm giảm nhẹ mức phạt. Hình thức này cũng gần tương tự như việc đem bằng khen, huân huy chương để xin giảm nhẹ mức án phạt khi phạm tội ngày nay. Điều 25 Luật Hồng Đức quy định cụ thể: “Xử tội biếm tước thì định ra 5 bậc từ 1 tư đến 5 tư”.

Trước khi Luật Hồng Đức ban hành, từ thời các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, sử sách đã ghi lại nhiều trường hợp phạt các quan bằng hình thức biếm tư như vậy. Đây có lẽ kế thừa các quy định của luật hình từ thời Trần và trước đó nữa. Như vào thời vua Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), triều đình có lệnh cấm quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài.

Bấy giờ, có thuyền buôn Trảo Oa (tức nước Java, thuộc Indonesia ngày nay) đến trấn Vân Đồn, Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông Từ và Đồng tổng quản Lê Dao giữ việc xét ghi số hàng hóa trong thuyền, đã báo nguyên số rồi, sau lại gian lận đổi làm bản khác, mà bán trộm đi hơn 900 quan tiền. Tông Từ cùng với Lê Dao mỗi người chiếm đoạt hơn 100 quan. Việc bị phát giác, nên cả hai đều bị trị tội, cùng phải biếm 3 tư, đồng thời bãi chức.

Hoặc vào năm Thái Hòa thứ 5 (1447), do để án kiện ứ đọng nhiều, Thẩm hình lang trung Nguyễn Văn Kiệt, Đại phu Lê Bá Viễn mỗi người đều bị biếm 1 tư, đồng thời còn bị phạt đánh 50 roi.

Thời Lê, pháp luật nghiêm minh, con của đại quan phạm tội thì người cha cũng bị phạt. Đó là trường hợp năm Thái Hòa thứ 7 (1449). Đại Việt sử ký toàn thư ghi sự kiện con của thiếu úy Lê Lan là Lê Nhân Lập cùng với người trong kinh là bọn Nguyễn Thọ Vực họp nhau đánh bạc, trộm cướp, sau đó sợ bọn ấy tiết lộ ra, sai người đến tận nhà dụ đến mà giết. Việc phát giác, mấy tên này bị bắt giam ngục rồi đều chém cả. Sau đó triều đình biếm Lê Lan 2 tư vì “không biết dạy con”.

Việc xử phạt các quan đôi khi dựa theo các sắc lệnh của nhà vua. Như vào đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475), nhà vua ra sắc chỉ rằng: “Nếu các xứ có trộm cướp nhóm họp thì các quan phủ, châu, huyện, các xã trưởng, thôn trưởng của nơi đó đều phải trị tội theo như pháp luật”. Hoặc năm Hồng Đức năm thứ 10 (1479), vào tháng 3, nhà vua ra sắc rằng: “Các quan viên lười biếng, bỉ ổi, đê tiện, yếu hèn, nếu là con cháu công thần thì bãi chức bắt về làm dân; nếu là con cháu thường dân thì bãi chức sung quân”.

Sang thời nhà Nguyễn, hình luật quy định trong các hình thức giáng chức, chia ra làm “giáng lưu”, tức giáng cấp nhưng vẫn lưu nhiệm tại công nha cũ để làm việc; và “giáng điệu”, tức giáng chức và phải điều đi nơi khác.

Các hình thức giáng chức khi quan phạm lỗi được sử triều Nguyễn ghi lại từ thời chúa Nguyễn Ánh còn ở Sài Gòn, tranh chấp cùng quân Tây Sơn. Như trường hợp năm 1792, khi có viên Khâm sai tổng nhung cai cơ phó tướng Tiền quân là Nguyễn Văn Thư phạm tội dung túng cho thuộc hạ quấy nhiễu dân Phiên (tức người dân Khmer), việc phát giác nên bị giáng chức xuống làm Khâm sai cai đội. Hoặc sau khi vua Gia Long đã lên ngôi, năm Gia Long năm 5 (1806), có viên Phó quản cơ Trung quân là Nguyễn Văn Long, Trưởng hiệu là Nguyễn Văn Lý và Phó đội là Nguyễn Văn Oai phạm tội “nhũng lạm”. Việc bị phát giác, Văn Long bị giáng chức xuống làm Cai đội; bọn Văn Lý, Văn Oai đang từ cấp cai quản quân lính đều bị sung làm lính hết.

Một võ tướng quan trọng khác là phó tướng quân Chấn võ là Lê Tiến Tham, năm Gia Long thứ 9 (1810), khi cầm quân ở Gia Định, bị các quan tố cáo là thường cùng người Xiêm (Thái Lan ngày nay) gửi thư qua lại. Các quan thành Gia Định khép ông này về tội “giao thông với người nước ngoài”, nên triều đình quyết định giáng chức ông xuống làm Chưởng cơ.

Quan lớn cưỡi ngựa và tùy tùng. (Ảnh tư liệu).

Quan lớn cưỡi ngựa và tùy tùng. (Ảnh tư liệu).

Về vi phạm trong việc hình, vào năm Gia Long năm thứ 4 (1805) viên Tham tri bộ Hình là Lê Bá Phẩm bị phát giác lỗi lầm trước đó, khi còn làm chức Cai bạ ở Quảng Nam, đã tự tiện tha hơn 20 người tù tội đồ. Triều đình nghị bàn, thấy tội của ông ta đáng bị cách chức, nhưng vua Gia Long cho rằng Bá Phẩm trước đó đi sứ nước Thanh có công, nên đặc biệt cho giáng chức xuống làm Thiêm sự.

Các quan phạm tội nhũng lạm hay để thuộc cấp nhũng lạm cũng đều bị xử lý nghiêm dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1825, viên Vệ úy vệ Tiền nhị quân Thị trung là Trần Văn Lộc bị giáng chức vì cấp dưới của ông là viên thư lại tên là Hoàng Thiên Chiểu nhũng lạm đối với quân lính mà Văn Lộc không biết. Khi bị phát giác, bộ Hình nghị án rằng Chiểu phải tội sung quân, còn Lộc bị phạt. Vua Minh Mạng cho rằng Chiểu thân làm cấm vệ mà dám coi thường pháp luật, đổi làm tội trảm giam hậu (xử chém nhưng giam lại chưa thi hành án ngay), còn Văn Lộc phải giáng chức và đổi đi làm Phó vệ úy vệ Tiền phong hữu quân Thị nội.

Có những viên quan bị giáng chức nhiều lần, triều đình xét thấy không có công cán, nên đã cách luôn chức vụ. Điển hình như vụ xử hai viên Quản đạo Ninh Bình là Nguyễn Văn Tạo và Tham hiệp trấn ấy là Lương Vân, vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Năm đó, người xã Lạc Thổ, phủ Thiên Quan là Quách Phúc Diện cùng Phòng ngự thiêm sự là Quách Phước Cơ tranh làm thổ tù, họp quân đánh nhau, đem kiện ở đạo.

Quản đạo Văn Tạo không nhận đơn, khiến Phúc Diện làm đơn thêu dệt về kiện ở Kinh đô. Nhà vua bèn sai trấn thần Thanh Hoa bắt hỏi (khi đó đạo Ninh Bình thuộc quản lý của trấn Thanh Hóa). Đến khi án thành, Diện bị tội chém, Cơ bị án cách chức, Tạo và Vân đều bị xét án “giáng chức đổi đi”. Nhà vua thấy hai người ấy làm quan không công trạng gì, đã bị giáng nhiều lần, bèn cách chức cả hai.
Có khi chỉ vì một lỗi lầm nhỏ mà quan triều Nguyễn bị giáng chức từ tứ phẩm xuống tận bát phẩm. Đó là chuyện vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), khi triều đình treo tờ dụ niêm yết ở lầu Phu Văn, người coi giữ không cẩn thận để rách. Viên Thiêm sự bộ Hộ là Hoàng Công Dương nhận lời nhờ muốn tha tội cho người này.

Tuy nhiên sự việc bị phát giác. Vua Minh Mạng đọc án, dụ bộ Hình rằng: “Công Dương do nghề mọn xuất thân, quan đến tứ phẩm, lại chẳng nghĩ giữ mình cho sạch, cam chịu nhơ bẩn, thì phép nước ơn vua nó đã không để bụng vậy”. Sau đó, nhà vua sai lột bỏ mũ áo ông ta, giao vệ Cẩm y đóng gông đợi xét. Cuối cùng Công Dương phải giáng chức xuống làm Chánh bát phẩm Thư lại ở Khâm thiên giám.
Thời vua Minh Mạng, còn nhiều vụ việc các quan bị giáng chức vì cấp dưới phạm tội. Như vào năm 1826, viên Cai đội Tuần bạc là Trần Văn Toản cùng Thương bạc ty Vũ Hữu Tần đến cảng Đà Nẵng chọn mua hàng hóa của người buôn nước Pháp, thể hiện tham lam, bị lái buôn Pháp khinh rẻ. Việc đến tai vua, nhà vua giận vì làm mất quốc thể, cách chức Văn Toản, phát làm lính vệ Tả hộ làm việc khổ sai. Hoặc năm đó, có vụ Chủ thủ kho Kinh là bọn Đỗ Văn Tín lấy trộm gạo ở kho, việc phát giác, bộ Hình tâu rằng theo phép thì đáng tội lưu. Nhà vua nói rằng: “Nhà nước đặt pháp luật, bắt tội không cứ tội nhỏ. Các án trước về kho Kinh đương xét mà lũ kia không biết sợ, khinh pháp luật quá lắm, xử tội lưu chẳng nhẹ quá sao!”. Do đó xử Văn Tin án trảm hậu. Các viên quan ở bộ Hộ do thiếu giám sát, đều bị giáng chức.

Hoặc trong vụ việc có tên lính vệ Cẩm y đi ăn trộm, bị lính tuần bắt được. Vua Minh Mạng nói rằng: “Cẩm y là quân Túc vệ, trẫm đãi rất hậu, mà còn dám trộm cắp như thế, chẳng những là phụ ơn nuôi nấng mà còn không coi pháp luật vào đâu, nên theo quân luật mà xử”. Tên lính này bị chém ở chợ Đông, còn viên võ quan phụ trách hắn là Chưởng cơ là Nguyễn Văn Quyền phải giáng 1 cấp.

Theo quy định ban hành năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thì các quan viên văn võ gặp khi bị cách lưu thì sẽ truy hết mũ áo đã được nhà nước cấp cho. Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), triều đình lại quy định các viên quan bị cách chức sẽ chia làm hai hạng, lầm lẫn hỏng việc quân cơ mà bị cách thì phải đền đủ số tiền thiệt hại mới thôi; còn vì việc công mà lầm lẫn thì đợi khi nào phục chức thì chiết trừ số tiền đó; sau khi cách chức mới phát ra án mà án phải phạt bổng thì cũng như thế; đến như cách lưu thì ghi vào sổ, đợi sau khi phục chức thì trừ; viên quan nào bỏ chức trốn đi thì triều đình sẽ theo nguyên quán tra thu; các viên quan phải giải chức đợi xét thì đợi khi xét xong được bổ làm quan sẽ trừ, bị cách bãi thì theo tội công hay tư mà phân biệt để đòi đền bù hay tha.

Nhân vật nổi tiếng với nhiều lần giáng chức rồi được thăng bổ lại, nhiều lần “lên voi xuống chó” trong thời nhà Nguyễn, là Nguyễn Công Trứ. Dù từng được thăng tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng ông cũng nhiều lần bị giáng phạt, có những lần bị giáng liền 3-4 cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú…

Sách Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần Truyện các quan, đánh giá về ông như sau: "Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận".

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thoi-xua-xu-phat-giang-chuc-quan-sai-pham-the-nao--i733447/