Thơm mùi nắng ấm...

Chị bị tai nạn lúc ba mẹ con dàn hàng ngang đi bộ qua đường. Một chiếc xe máy nào đó vượt đèn đỏ phi nhanh đã đâm thẳng vào chị. Chị ngã đập mặt xuống đất, máu me be bét.

Trong cơn hoảng loạn, chị chỉ còn nghe thấy tiếng khóc của hai đứa trẻ, mọi thứ xung quanh cứ ù đi. Người ta xúm lại rất đông hỏi han dồn dập. Trong giây phút ấy, chị nghĩ đến mẹ đầu tiên chứ không phải là chồng mình, cũng chẳng phải gã người tình lâu năm hoặc những cô bạn thân thường hẹn hò cà phê sớm tối. Chị nhờ ai đó bấm hộ số điện thoại rồi chỉ chờ bên kia vang lên giọng nói quen thuộc là òa khóc gọi “mẹ ơi”. Dù mẹ con chị tính tình xung khắc, câu trước câu sau có khi đã cãi nhau, thậm chí đã có lần chị tính “từ mặt” mẹ ít bữa cho bà già bỏ cái tính hay xét nét con cháu trong nhà, vậy nhưng lúc hoạn nạn chị cũng như bao nhiêu người con khác luôn nghĩ đến mẹ đầu tiên. Chỉ có mẹ là không bỏ rơi con mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Qua câu chuyện của chị, tôi cứ tự hỏi nếu chẳng may mình bị tai nạn giữa đường thì sẽ gọi cho ai? Câu hỏi đó xoáy vào tâm trí tôi hình trôn ốc. Mãi không thấy điểm dừng…

Tôi chắc chắn không thể gọi cho mẹ vì mẹ ở quá xa. Với khoảng cách gần hai trăm cây số, nếu có gọi mẹ cũng chẳng thể chạy đến bên tôi ngay được. Gọi chồng ư? Biết lúc đó anh tỉnh hay say mà gọi? Đã bao lần con ốm giữa đêm, tôi bấm số gọi chồng trong tuyệt vọng. Những cơn say nhấn chìm anh ở một nơi nào đó, có thể là quán vắng hoặc biết đâu chăn ấm đệm êm của bồ nhí cũng nên. Bạn bè thì có thể đang đón con, đang bận họp, đang đi công tác tỉnh xa, cũng có khi đang bận vào bếp nấu cơm cho chồng con cũng là cái cớ chính đáng để bạn từ chối chạy ngay đến bên mình. Tôi không có người tình, cũng chẳng biết liệu có ai thương thầm trộm nhớ để mà nhờ cậy. Đấy là trường hợp còn tỉnh táo, cầm điện thoại trong tay còn không biết gọi ai, nếu va đập mạnh mà điện thoại vỡ tan, hoặc ai đó đã thừa cơ nhặt mất thì lúc ấy đúng là chịu chết, vì trí nhớ của tôi vốn quá tồi, các loại mật khẩu tài khoản đều phải ghi ra sổ, nó không có chỗ dành cho những dãy số. Hơn mười năm dùng điện thoại, tôi chỉ nhớ được số của mình và của người yêu cũ. Mối tình đầu đã sáu năm không gặp, cũng không một lời thăm hỏi lẫn nhau. Không lẽ vào một ngày đẹp trời, khi anh ta còn đang mải vui vầy với vợ con thì nhận được cuộc gọi của người yêu cũ báo tin tai nạn, vợ anh ta sẽ hỏi “ủa, chị ấy không còn ai để gọi nữa sao?”. Biết đâu cô ấy sẽ nghi ngờ “hai người này chắc chắn còn thậm thụt qua lại với nhau”. Vô duyên cho mình và khó xử cho người xưa hết sức.

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Câu hỏi “nếu chẳng may bị tai nạn giữa đường thì biết phải kêu ai?” cứ văng vẳng bên tai tôi mấy ngày nay, ngay cả lúc nấu cháo cho con, khâu áo cho chồng, tưới rau trên sân thượng. Sáng bước chân ra khỏi cửa là vội vàng sờ xem liệu có quên mang theo điện thoại. Cuốn sổ bé bằng bàn tay thường để ghi kế hoạch chi tiêu cũng mới được ghi đè lên trang bìa số điện thoại và địa chỉ nhà riêng, để lỡ có ngã lăn ra bất tỉnh thì người ta cũng biết mình là ai, ở đâu mà báo tin về. Vì vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi ấy nên những lúc đi bộ sang đường, lúc quay đầu xe giữa ngã tư, tôi đều phải cẩn trọng quá mức. Tốt nhất là không nên để mình vướng phải những hiểm nguy rình rập, khi thừa biết bản thân vốn cô đơn giữa thành phố náo nhiệt này. Chị nghe kể thì cười như nắc nẻ:

- Những điều xúi quẩy vốn làm gì có mắt, đâu phải tránh là được, thong thả đứng trên vỉa hè có khi vẫn bị thằng say rượu nào đó đâm ngã bổ chỏng. Mà vận hạn cũng không biết thông cảm cho ai, nên cố tìm lấy một người tin cậy mà nhờ…

- Giá mà các con lớn hơn…

- Thôi… con em còn quá nhỏ, chờ con lớn thì em cũng đã già. Nghe chị, xem có ai thương mình mà cặp bồ đi.

Cả đêm qua trằn trọc chờ chồng đi nhậu về, tôi cứ nghĩ đến cuộc điện thoại hồi chiều với chị. Cửa khóa ba bốn lớp vẫn không sao ngăn nổi nỗi bất an đen đặc ngoài kia. Một tuần bảy ngày thì chồng say sáu. Tôi đã phá hỏng chuông cửa vì không chịu nổi cảnh người say khật khưỡng bấm chuông inh ỏi. Tường nhà sát nhau, hàng xóm suốt ngày càu nhàu “sao chồng cô cứ hay về muộn?”. Đám trẻ con nhiều lần tỉnh giấc khóc toáng trong đêm, còn tôi thì hết dỗ con lại lau chỗ nôn mửa của chồng. Cũng có khi chồng không về, đi một mạch vài ngày rồi lại trở về bằng một cơn say khác. Lý do của chồng lúc nào cũng chính đáng: “Anh phải tiếp khách hàng. Em tưởng uống nhiều mà sướng à. Cực bỏ mẹ”. Lương hằng tháng chồng bao giờ cũng chỉ đưa một nửa, còn một nửa để dành đãi nhau bia bọt. Hoặc như chị vẫn bảo, “em khờ thật, có khi nó mang tiền đi cho gái cũng nên”. Có lần hai mẹ con ốm nằm ôm nhau, điện cho chồng về nấu hộ nồi cháo nóng, nhưng lúc chồng mò được về nhà thì con đã khỏi sốt, còn vợ thì xách nước lau hết mấy tầng nhà. Chồng cười bảo, “vắng anh mà vẫn ổn cả đấy thôi”. Nên nếu có ngã sõng soài ở ngoài đường, đợi chồng chạy đến nơi có khi quá muộn. Mà cần gì nói chuyện ngoài đường, giả dụ nhà có cháy thì chắc chồng vẫn nằm ngáy ầm ầm. Con người đó quen sống trong cơn say, tệ đến mức quên lúc nào mình tỉnh.

Nửa đêm, sau khi đã vén màn cho tụi nhỏ ngủ, tôi ra ban công ngồi. Trời bắt đầu có sương nếu ngồi lâu cơ thể sẽ lạnh toát như một mầm cây trong đêm đông. Thành phố đỏ đèn, vài ô cửa hiện ra sự sum vầy đầm ấm. Hàng bánh bao len lỏi khắp các ngõ ngách nên tiếng rao cũng đôi khi thắt nghẹn ở một khúc cua nào đó. Giá giờ này chồng về, tôi sẽ xuống bếp nấu một món ngon nào đó, cùng kể với nhau những câu chuyện trong ngày. Mỗi ngày có biết bao thứ cần chia sẻ, tôi không biết phải nói với ai. Tất cả đều gói ghém cất đi trong những đêm mất ngủ. Đời sống ngoài kia có biết bao bất ổn mà sao anh vẫn cứ mải mê. Sự yên ổn nơi này đang chờ đợi từng giờ, nhưng anh lại không đoái hoài, đếm xỉa. Trong thành phố bắt đầu xuất hiện những vụ cướp đêm, say như anh làm sao chống đỡ? Đêm nào cũng vậy, đến tận khi nghe thấy tiếng xe dừng ở cổng, nhìn thấy anh khật khưỡng bước vào nhà, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Anh có mệnh hệ gì, mẹ con tôi biết phải sống sao, dù sáng nào anh cũng chỉ vội vàng hôn hít các con, dù điện hỏng, xe hư, anh chưa bao giờ thò tay sửa chữa, dù con cái học hành thế nào anh chưa từng ngó ngàng! Ngày giỗ chạp, hai bên gia đình anh bảo, “chuyện của đàn bà”. Nhưng dẫu sao anh vẫn là cái bóng để mẹ con tôi dựa vào mà sống.

Tôi trở vào giường nằm bên cạnh các con, cố gắng dỗ dành mình ngủ ngoan giữa chăn ấm đệm êm bởi đêm chẳng mấy mà cạn. Nhưng tiếng còi xe cứu thương bỗng vang lên rờn rợn. Tôi cảm giác như cái lạnh đang luồn lách trong từng mạch máu, chạy dọc sống lưng lên tận đỉnh đầu. Giờ này không biết chồng còn tỉnh hay say? Có định về nhà hay kiếm một chỗ nào ngủ tạm? Tiếng còi cứu thương giữa đêm thường mang đến dự cảm bất an. Tôi vừa lo lắng cho chồng, vừa thương mình của những ngày phía trước. Đúng là kiểu bất an để dành của đàn bà bé mọn. Câu hỏi cũ lại xoáy tròn trong trí óc. Nếu chẳng may bị tai nạn giữa đường thì biết gọi cho ai? Giả dụ bây giờ tôi thử gọi cho một vài người, thử hốt hoảng kêu cứu rồi chờ xem phản ứng của họ ra sao? Tất nhiên đó là một ý nghĩ điên rồ, sẽ chẳng ai tha thứ cho kẻ thích đùa vào một ngày không phải cá tháng tư. Mà giờ này có thể họ đã ngủ hết rồi. Họ cần được tôn trọng sự bình yên ít ỏi cuối ngày. Chỉ thương nỗi bất an của đàn bà yếu mềm và tội nghiệp. Tôi cũng chẳng đủ can đảm để làm một phép thử, vì sợ giống những người vợ từng thử độ chung thủy của chồng bằng việc nhờ một cô nào đó vờ lẳng lơ tán tỉnh thử xem. Kết quả là chồng mình mê đắm người ta, trả lại cho phép thử một cái kết toàn vị đắng.

Sau một đêm ngồi lục tung danh bạ, tôi nhận ra có bao nhiêu mối quan hệ tồn tại bấy lâu nay chẳng biết để làm gì, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Lúc nào cần thì gọi đến nhau, còn thì để lãng quên theo năm tháng. Giả dụ một hôm nào đó, bỗng một người trong số họ nhận được cuộc điện thoại từ số của tôi, cái giọng lạ hoắc của một người đi đường tốt bụng sẽ ấp úng hỏi “anh/chị có quen số thuê bao này không? Cô ấy bị tai nạn trên đường. Tôi thấy trong danh bạ có số của anh/chị nên gọi điện”. Người đi đường tốt bụng cũng không biết cái cô bị tai nạn ấy tên gì, mà người nhận cuộc điện thoại có thể đã xóa số của tôi hoặc đã thay máy mà quên lưu số. Họ sẽ mất cả buổi sáng bần thần để nghĩ xem người bị tai nạn ấy là ai. Ôi, giá như không phải đang sống giữa thành phố xa xôi, mà mở mắt ra đã thấy quê nhà gần gũi thì đi đâu, làm gì cũng không còn thấy sợ. Mẹ có lẽ đã dự cảm trước được những bất an, nên lần đầu xuống thăm tôi, mẹ dặn “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Láng giềng của tôi là chị bán bánh cuốn đầu ngõ vẫn xởi lởi mỗi khi tụi nhỏ ghé ăn. Là anh chị cảnh sát biển có vẻ sống khép kín nhưng tính tình hòa nhã. Là bác xe ôm thỉnh thoảng vẫn giúp tôi đón thằng nhỏ ở trường về. Nhà bác rộng, cây cối tốt tươi. Mùa nào vợ bác cũng mang cho bọn nhỏ vài thứ quả. Tôi vẫn hay ghé qua chơi, tiện thể mua ít rau sạch, đặt làm mắm cáy, dặn bác nhặt góp cho vài chục trứng gà. Cũng có khi biết tụi nhỏ nhà tôi ốm, bác thường chạy sang đưa cho ít gừng với mật ong chữa ho, mấy nắm lá xông cảm, ít cây huyết dụ giống dặn “trồng đi”… Rồi lần nào tụi nhỏ qua đấy chơi, hai bác cũng giữ lại dùng cơm bằng được. Giả dụ mẹ con tôi có làm sao chắc gọi một câu hai bác sẽ là người chạy đến.

Tôi ứa nước mắt khi thấy mình phải bấu víu vào tình thương của những người dưng. Nhưng dẫu sao nơi này nhờ họ mà vẫn còn ấm áp. Tôi nằm quay lại phía các con khẽ vòng tay ôm chúng. Đêm ngoài kia đã lạnh lắm rồi, những tiếng rao đêm xa dần rồi nín lặng. Tôi xua đi những ý nghĩ vụn vặt của ngày để tận hưởng giây phút bình yên này. Khi nghe thấy tiếng hai đứa trẻ thở đều đều, da thịt chúng lúc nào cũng thơm mùi nắng ấm…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362951-thom-mui-nang-am