Thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực cùng thế giới quản lý, sử dụng nguồn nước vì phát triển bền vững

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) chia sẻ về sự tham gia của đoàn Việt Nam tại Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động 'Nước vì sự phát triển bền vững' giai đoạn 2018-2022.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ. (Nguồn: Phái đoàn thường trực VN tại LHQ)

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ. (Nguồn: Phái đoàn thường trực VN tại LHQ)

Nhận lời mời của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 tại New York (Mỹ) từ ngày 21-24/3.

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam.

Thưa Đại sứ, Chương trình nghị sự của Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì? Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị sẽ gửi gắm thông điệp nào tới cộng đồng quốc tế?

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội và liên kết chặt chẽ với nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, môi trường, y tế, lương thực. Nước cũng là nhân tố có thể thúc đẩy phát triển nhưng cũng có thể đe dọa hòa bình, an ninh, nhất là khi xảy ra bất đồng giữa các nước sử dụng chung nguồn nước xuyên biên giới.

"Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị, tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc tham gia chủ động, tích cực, đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và đảm bảo sinh kế cho người dân, không bỏ ai lại phía sau" - Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ.

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sử dụng và quản lý nguồn nước. Nhiều nơi trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, khan hiếm nước sạch, đặc biệt do tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xung đột. Tiến triển trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người không được như cộng đồng quốc tế mong đợi.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị nước 2023 là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau gần 50 năm của LHQ về vấn đề này, thu hút sự tham dự của 15 Nguyên thủ, Lãnh đạo Chính phủ, gần 80 Bộ trưởng các nước và nhiều lãnh đạo các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu rà soát tiến độ của cộng đồng quốc tế thực hiện Thập kỷ hành động của LHQ “Nước vì phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2028. Hội nghị sẽ thảo luận về tầm quan trọng của nước gắn với việc đảm bảo sức khỏe, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác xuyên biên giới. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế đưa ra các cam kết hành động mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Do tính chất quan trọng của Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị, tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc tham gia chủ động, tích cực, đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và đảm bảo sinh kế cho người dân, không bỏ ai lại phía sau.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Ramba Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam ngày 7/2. (Nguồn: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Ramba Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam ngày 7/2. (Nguồn: VGP)

Đoàn Việt Nam chúng ta dự kiến sẽ tham gia, đóng góp như thế nào tại Hội nghị?

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm, đẩy mạnh đối ngoại đa phương cũng xác định mục tiêu nỗ lực vươn lên đóng vai trò, nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tham gia rất tích cực ngay từ trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, đóng góp vào việc xây dựng Chương trình nghị sự, lựa chọn những vấn đề quan trọng liên quan đến nước mà cộng đồng quốc tế cần chú ý trong triển khai thực hiện để đạt được những mục tiêu của Thập kỷ hành động.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ có bài phát biểu quan trọng trong Phiên toàn thể, đưa ra các đề xuất, kiến nghị với cộng đồng quốc tế để quản lý hiệu quả nguồn nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý các thách thức về nước toàn cầu. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ các kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam tại cấp độ quốc gia và khu vực, đưa ra các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc sử dụng nguồn nước trong những năm tới.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng còn được mời làm diễn giả chính tại Phiên đối thoại “Nước vì hợp tác quốc tế”, tập trung thảo luận về thúc đẩy hợp tác nước xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới hiệu quả, bền vững ở các khu vực trên thế giới.

Tại Phiên thảo luận quan trọng này, Phó Thủ tướng sẽ chia sẻ những góc nhìn, đánh giá về thực tiễn hợp tác trong vấn đề này và các biện pháp để hợp tác hiệu quả, đặc biệt là hợp tác nước xuyên biên giới. Việc Phó Thủ tướng trở thành diễn giả chính của một phiên quan trọng tại Hội nghị cho thấy cộng đồng quốc tế rất coi trọng thế và lực cũng như vai trò và sự đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam.

Nhân dịp Hội nghị, Đoàn cũng sẽ có gần 15 cuộc trao đổi song phương với các cơ quan LHQ, Trưởng đoàn các nước để thảo luận về những vấn đề cấp thiết trong quản lý nguồn nước toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy, tăng cường hợp tác của Việt Nam với các bên liên quan trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và khai thác, sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, hiệu quả.

Xin Đại sứ cho biết một số nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong việc quản lý nguồn nước và phát triển bền vững ở cấp độ khu vực và quốc tế?

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, đối mặt với thách thức từ nước biển dâng và xâm nhập mặn đối với nguồn nước. Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc vào các quốc gia khác với khoảng 60% lượng nước được sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ.

Do đó, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực củng cố thể chế, chính sách và các biện pháp để đảm bảo tất cả mọi người dân được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nước, Việt Nam cũng tham gia tích cực ở cấp độ quốc tế trong hợp tác với các nước để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, tăng cường thực hiện các chương trình hành động, thúc đẩy các sáng kiến về nước nhằm nâng cao an ninh nguồn nước của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là thành viên Công ước LHQ về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 và tích cực kêu gọi thêm các nước tham gia công ước.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam là một trong những thành viên có trách nhiệm của Ủy hội sông Mekong quốc tế, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết hợp tác trong Ủy hội, chủ động thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các nước nhằm khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới hiệu quả, góp phần đảm bảo sự ổn định, bền vững của khu vực. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên nước sông Mekong trong các khuôn khổ hợp tác khu vực Mekong như hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, Cơ chế hợp tác chiến lược kinh tế 3 dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), hợp tác Mekong-Lan Thương, Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ...

Xin cảm ơn Đại sứ!

"Việc Phó Thủ tướng trở thành diễn giả chính của một phiên quan trọng của Hội nghị cho thấy cộng đồng quốc tế rất coi trọng thế và lực cũng như vai trò và sự đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam" - Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 7 tổ chức tại Bagan, Myanmar, ngày 4/7/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 7 tổ chức tại Bagan, Myanmar, ngày 4/7/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-ve-mot-viet-nam-chu-dong-tich-cuc-cung-the-gioi-quan-ly-su-dung-nguon-nuoc-vi-phat-trien-ben-vung-220465.html