'Thông mạch, thông các nguồn lực' là vấn đề mấu chốt

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là 'thông mạch, thông các nguồn lực' để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Ngay sau phiên khai mạc, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam đã tiến hành phiên chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” với sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi.

Giải quyết hệ vấn đề đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới

Tham luận về chủ đề “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển", PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trên bình diện tổng quát, có thể nói Việt Nam – cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi: chuyển từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”; cấu trúc phát triển chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao; và giới hạn địa phương mở ra toàn cầu.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên phát biểu. Ảnh: Ảnh: Hồ Long

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên phát biểu. Ảnh: Ảnh: Hồ Long

Quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản (toàn diện, triệt để), tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau. Do vậy, việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.

Ở tầm nhìn trung và dài hạn, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” [trung hạn, đến 2030] và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” [ngắn hạn/cho năm 2023-2024] chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. “Điều này có nghĩa những giải pháp vượt qua không dễ dàng cho cộng đồng thế giới, mỗi quốc gia và doanh nghiệp”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh phát triển chung này, ông Trần Đình Thiên nhận thấy, Việt Nam có nhiều nét khác biệt, trong đó, điểm đáng chú ý là sau 3 năm trải qua đại dịch covid-19, nền kinh tế nước ta vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực. “Những thành tích kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa hiện nay”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, ông Trần Đình Thiên nhận thấy, có hai vấn đề lớn đặt ra gồm:

Thứ nhất là xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.

Thứ hai, thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện có một số “nghịch lý”. Trong đó, có nghịch lý tăng trưởng GDP cao – lạm phát thấp, nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.

Một nghịch lý khác là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Thực tế, dù có những khó khăn khi gánh nặng chi phí, trình độ thấp và thực lực yếu, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới… thì các doanh nghiệp nước ta vẫn tồn tại – một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Lâm Hiển

Với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy, nhưng thực tế cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt lại vẫn là những thực thể nhỏ bé, “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp, mặc dù đây là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới “đăng ký thành lập”.

Một nghịch lý khác được ông Trần Đình Thiên đưa ra là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8.2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%. “Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, PGS. Trần Đình Thiên lưu ý.

Cần quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp

Trên cơ sở các lý thuyết kinh tế và thực tiễn hiện nay, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, ông Trần Đình Thiên gợi mở, cần xác lập các điều kiện sau: hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh); bảo đảm “Tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống (thông suốt về hạ tầng; thông thoáng về cơ chế; thông minh trong vận hành).

Trên cơ sở những định hướng chung này, ông Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần quan tâm thực hiện gồm: định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực – ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin – cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực; thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thong-mach-thong-cac-nguon-luc-la-van-de-mau-chot-i343442/