Thông tin tiêu cực khiến giới trẻ bi quan về tương lai

Các thông tin tiêu cực đang khiến một bộ phận giới trẻ tại Mỹ Latinh tin rằng cuộc sống hiện quá bấp bênh và dường như ngày tận thế đang cận kề.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, bên cạnh nhan nhản các tin giật gân phản ảnh mặt xấu của xã hội, hầu như ngày nào trên báo chí tại khu vực Mỹ Latinh cũng tràn ngập các tin về thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, đi cùng các dự đoán đầy bi quan về tương lai. Hậu quả khiến một bộ phận giới trẻ tin rằng cuộc sống hiện quá bấp bênh và dường như ngày tận thế đang cận kề.

Tuy chưa có một thống kê chính thức, nhưng số lượng người trẻ bất mãn, buông xuôi và thậm chí tự tử vì mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai đang có chiều hướng gia tăng.

Sự thiếu cân bằng trong việc đưa tin, thiếu tính so sánh dựa trên căn cứ của khoa học bằng chứng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Dường như nhiều tờ báo quên rằng ngoài những vấn đề trên, ở một mặt nào đó, thiên nhiên cũng như cuộc sống của nhân loại cũng đang dần tốt lên so với trước kia, chỉ là họ cố tình hoặc vô tình không nhắc đến mà thôi.

Nhiều chứng cứ khoa học cho thấy, con người trở đang ngày một an toàn hơn trước các thảm họa thiên nhiên. Theo Tạp chí khoa học Livescience, trong những năm 1920 của thế kỷ trước, trung bình mỗi năm Trái Đất chứng kiến hơn nửa triệu người thiệt mạng từ thiên tai, trong khi số liệu ghi chép trong một thập kỷ gần đây cho thấy trung bình mỗi năm thế giới mất đi khoảng 18.000 người từ những thảm họa này, thậm chí con số trong năm 2021-2022 được dự đoán sẽ còn thấp hơn.

Có người lý giải rằng khi nhân loại được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như khi cuộc sống sung túc hơn, họ được trú ẩn trong những ngôi nhà kiên cố hơn, nhờ đó khả năng sống sót trước thiên tai sẽ cao hơn.

Lập luận này cũng cho thấy thiệt hại kinh tế từ sự tàn phá của thiên tai sẽ thấp hơn so với trước kia, ít nhất ở khía cạnh tính thiệt hại trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng quốc gia, cũng như trên quy mô GDP toàn cầu.

Không chỉ các thảm họa khí tượng ngày càng ít gây tổn hại hơn, bất chấp các dự báo đầy màu xám. Một thập kỷ trước đây, các nhà bảo vệ môi trường đã lớn tiếng tuyên bố rằng Rạn san hô Great Barrier tuyệt đẹp của Australia gần như đã biến mất do biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, năm 2022, các nhà khoa học Australia thông báo rằng 2/3 Rạn Great Barrier có lớp phủ san hô lớn nhất từng được ghi nhận kể từ khi các ghi chép bắt đầu vào năm 1985, song hầu như không một tờ báo nào đề cập đến câu chuyện này.

Tương tự, cách đây không lâu, hình ảnh gấu trắng Bắc Cực liên tục được các nhà bảo vệ môi trường sử dụng để nhấn mạnh sự ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Loài động vật được cho là đang trong tình trạng nguy cấp này sau đó thậm chí còn xuất hiện trong bộ phim kinh dị An Inconvenient Truth của Al Gore.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, thực tế số lượng gấu trắng Bắc cực ngày càng tăng, từ 5.000 con trong những năm 1960 lên 26.000 con trong năm 2020.

Cũng vì vậy, thời gian gần đây các nhà hoạt động môi trường đã ngừng sử dụng gấu Bắc Cực trong thông điệp về bảo vệ môi trường, song một lần nữa truyền thông gần như không đả động gì đến câu chuyện chứa đựng nhiều cảm xúc này.

Trên thực tế, có quá nhiều tin xấu đến nỗi chúng ta hiếm khi dừng lại để xem xét rằng, xét trên những chỉ số quan trọng nhất, cuộc sống đang trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tuổi thọ của con người đã tăng gấp đôi trong thế kỷ qua, từ 36 tuổi vào năm 1920 lên hơn 72 tuổi trong năm 2021. Một trăm năm trước, 3/4 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nhưng hôm nay, con số này là ít hơn 1/10.

Liên quan đến ô nhiễm không khí - thảm họa môi trường hiện được coi là nguy cấp nhất. Thực tế số ca tử vong do ô nhiễm không khí trong những năm 1920 của thế kỷ trước còn cao hơn đến 4 lần so với hiện nay, bắt nguồn từ khí CO2 phát thải trong giai đoạn công nghiệp hóa cao độ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, cũng như tầng lớp người nghèo thời đó chủ yếu đun nấu và sưởi ấm bằng phân khô vả củi – hai chất liệu sản sinh ra nhiều khí độc khi đốt cháy dưới nhiệt độ cao.

Gần đây nhất, cho dù "cơn lốc" đại dịch COVID-19 trong 3 năm vừa qua đã càn quét thế giới và gây ra những hậu quả chưa hề có tiền lệ về kinh tế - xã hội, nhưng xét trên tổng thể, cuộc sống của loài người đã trở nên tốt hơn nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, những người theo “chủ nghĩa thảm họa” vẫn không ngừng gióng lên điệp khúc khóc than, cộng thêm hiệu ứng của truyền thông đã tạo nên một bầu không khí tựa như ngày tàn của Trái Đất đang đến rất gần.

Hiển nhiên, các thông tin mang tính cảnh tỉnh, dự báo về các vấn đề mang tính toàn cầu như tình trạng nóng lên của Trái Đất, tình trạng tàn phá rừng làm mất cân bằng sinh thái hay diễn biến của dịch bệnh trên toàn thế giới, là rất quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, nếu thông điệp của truyền thông thiếu tính cân bằng mà chỉ xoáy sâu, thậm chí làm trầm trọng hóa vấn đề, hậu quả gây ra sẽ khôn lường, làm ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách, hao tổn nguồn lực xã hội, cũng như bào mòn niềm tin của thế hệ kế cận về một tương lai tươi sáng hơn.

Hiện tượng nóng lên của Trái Đất là một thực tế không thể chối cãi và ảnh hưởng của nó hiện hữu trong mọi mặt của đời sống như tình trạng biến đổi khí hậu hay hiện tượng băng tan hai đầu cực khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao.

Tuy nhiên, theo dự báo dựa trên phương thức mô hình hóa của Mỹ xuyên suốt từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, tính đến cuối thế kỷ này, hiện tượng nóng lên của Trái Đất sẽ "lấy đi" dưới 4% GDP của thế giới.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc mới đây đưa ra dự báo rằng nếu không có hiện tượng biến đổi khí hậu, thu nhập bình quân của một cư dân trên thế giới sẽ tăng khoảng 450% vào năm 2100, và tính cả hiện tượng này, thu nhập bình quân của một người sống trên Trái Đất vào năm 2100 cũng vẫn sẽ tăng 434% so với thời điểm hiện tại.

Theo tính toán của Tổ chức quốc tế có uy tín nhất thế giới này, rõ ràng cuộc sống của loài người sẽ ngày càng thịnh vượng và tốt đẹp hơn, và đó không phải là một thảm họa./.

Phi Hùng (P/v TTXVN tại Mexico)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thong-tin-tieu-cuc-khien-gioi-tre-bi-quan-ve-tuong-lai/273261.html