Thông tư 14 – Bước tiến mới cho hành trình nâng cấp hệ thống ngân hàng
Khi tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt mốc 21 triệu tỉ đồng và áp lực tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn, việc ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN không chỉ là bước chuyển mình cần thiết mà còn là cuộc cách tân trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng. Những quy định đột phá về bộ đệm vốn và phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB) mở ra cơ hội hội nhập quốc tế nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về năng lực vốn và hệ thống dữ liệu cho các ngân hàng.

Các ngân hàng cần có năng lực vốn mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay ngày càng tăng của nền kinh tế. Ảnh: LÊ VŨ
Tín dụng đã tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2025 và động lực tăng trưởng vẫn thiên về nhóm kinh doanh bất động sản. Thông tư 14/2025/TT-NHNN không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp quy thay thế Thông tư 41/2016/TT-NHNN, mà đây còn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình quyết liệt của hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới việc áp dụng toàn diện các chuẩn mực quốc tế Basel III trong giai đoạn 2025-2030.
Thông tư 14 được xem là phiên bản tiếp cận Basel III theo chuẩn Việt Nam, với nhiều điểm mới đột phá so với quy định trước đây. Điểm đáng chú ý nhất chính là việc lần đầu tiên đưa ra các quy định về bộ đệm vốn (capital buffers) và phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB). Sự ra đời của thông tư này không chỉ nhằm nâng cao an toàn hệ thống mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế.
Tại sao an toàn vốn là vấn đề cốt lõi của hệ thống?
Một trong những áp lực cấp thiết dẫn đến việc ban hành Thông tư 14 chính là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Theo thống kê gần đây, tỷ lệ CAR riêng lẻ của các ngân hàng Việt Nam đạt khoảng hơn 11%, trong khi các nước láng giềng cao hơn nhiều: Indonesia đạt hơn 25%, Thái Lan và Malaysia gần 20% và Singapore là 17%, theo số liệu từ IMF vào cuối năm 2023.
Chênh lệch này không chỉ phản ánh năng lực vốn thấp hơn mà còn cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đang thiếu bộ đệm an toàn cần thiết để đối phó với các cú sốc tài chính. Basel III yêu cầu nâng tổng mức an toàn vốn tối thiểu lên 10,5%, bao gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) ≥ 2,5% và bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) từ 0-2,5%.


Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao không chỉ cho năm 2025 mà còn cho cả thập niên tới, việc nâng cao năng lực vốn của hệ thống ngân hàng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tính đến cuối tháng 6-2025, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Với đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, yêu cầu về vốn là vô cùng quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần có năng lực vốn mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay ngày càng tăng của nền kinh tế.
Thông tư 14 mang lại nhiều thay đổi đột phá so với các quy định trước đây. Lần đầu tiên cơ quan quản lý đưa ra các quy định về bộ đệm vốn, bao gồm bộ đệm CCB, bộ đệm CCyB và bộ đệm vốn cho các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống. Bộ đệm CCB sẽ được áp dụng theo lộ trình bốn năm với mức tăng dần từ 0,625-2,5%, nâng tổng CAR tối thiểu lên 10,5%.
Một điểm đáng chú ý khác là Thông tư 14 đưa ra điều kiện nghiêm ngặt mới về việc chia cổ tức của các ngân hàng thương mại: ngân hàng chỉ được phân chia lợi nhuận còn lại bằng tiền mặt (bao gồm cổ tức) khi duy trì đủ các tỷ lệ bao gồm cả bộ đệm CCB. Đây là quy định hoàn toàn mới, nhằm đảm bảo các ngân hàng ưu tiên củng cố năng lực vốn trước khi chia sẻ lợi nhuận với cổ đông.
Thông tư 14 còn chính thức hướng dẫn phương pháp IRB, bao gồm cả phương pháp IRB cơ bản (FIRB) và IRB nâng cao (AIRB). Điều này cho phép các ngân hàng có năng lực tự ước tính các thành phần rủi ro, từ đó quản lý tín dụng hiệu quả và chính xác hơn theo chuẩn mực quốc tế.
Tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống dữ liệu
Trọng tâm của Basel III không chỉ nằm ở việc nâng cao các tiêu chí về vốn mà còn đòi hỏi các yêu cầu cao hơn nhiều ở hệ thống quản trị nội bộ. Việc áp dụng phương pháp này cho phép các ngân hàng thương mại tự quyết định lựa chọn hệ thống xếp hạng và ước lượng các thành phần rủi ro. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các ngân hàng phải xây dựng được hệ thống xếp hạng nội bộ mạnh mẽ, phù hợp với từng phân khúc khách hàng và có khả năng định lượng rủi ro chính xác.
Một số ngân hàng tiên phong đã hoàn thành việc triển khai phương pháp F-IRB theo Basel III. Một số khác cũng đã thành công trong việc phát triển công cụ đo lường rủi ro tín dụng hiện đại sử dụng phương pháp IRB. Những mô hình này đã được xây dựng cho các danh mục bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp lớn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Basel về đo lường xác suất vỡ nợ (PD), mô hình ước tính tổn thất khi vỡ nợ (LGD) và ước tính số dư vay tại thời điểm vỡ nợ (EAD). Việc tuân thủ Basel III đòi hỏi các ngân hàng cần có một hệ thống dữ liệu phân loại doanh nghiệp chuẩn để có thể thực hiện đánh giá rủi ro liên tục và chính xác. Hiện tại, ước tính có hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Con số này cho thấy quy mô dữ liệu khổng lồ mà các ngân hàng cần phải quản lý và phân tích.
Để đáp ứng yêu cầu này, các ngân hàng cần xây dựng hệ thống dữ liệu có khả năng phân loại và đánh giá rủi ro cho từng nhóm khách hàng một cách tự động và chính xác. Hệ thống này không chỉ phục vụ cho việc tính toán tài sản có rủi ro (RWA) theo công thức Basel mà còn hỗ trợ việc phê duyệt tín dụng, đánh giá rủi ro khách hàng và phân bổ vốn hiệu quả.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc triển khai Basel III nhờ hoạt động số hóa dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp đang được đẩy nhanh trong thời gian vừa qua. Việc Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và coi dữ liệu là động lực phát triển kinh tế đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai Basel III.
Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc phân loại và đánh giá rủi ro một cách hiệu quả, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu việc xây dựng trung tâm dữ liệu doanh nghiệp quốc gia. Hiện tại, Việt Nam đã có Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) trực thuộc NHNN, có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và dự đoán thông tin tín dụng của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, CIC chủ yếu tập trung vào thông tin tín dụng và lịch sử vay nợ. Để phục vụ tốt hơn cho việc triển khai Basel III, cần mở rộng hệ thống này thành một trung tâm dữ liệu doanh nghiệp toàn diện, bao gồm thông tin về tình hình kinh doanh, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội và các chỉ số hoạt động khác của doanh nghiệp.
Việt Nam hiện đang có nhiều trung tâm dữ liệu thương mại với tổng công suất đáng kể, và đang chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT. Cơ sở hạ tầng này hoàn toàn có thể hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống dữ liệu doanh nghiệp tập trung, giúp các ngân hàng tiếp cận thông tin chất lượng cao và chuẩn hóa để phục vụ cho mô hình IRB.
Trong khi đó, hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng đã được nâng cấp với việc sử dụng các hệ thống Core Banking hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, bảo mật thông tin và an ninh mạng, đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch điện tử. Việc ngân hàng có chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin cao hơn sẽ dẫn đến lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn, trong khi đó đảm bảo việc đánh giá chất lượng danh mục cho vay một cách bền vững.
Việc ban hành Thông tư 14 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình nâng cấp hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thông tư này không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các quy định mới mà thực chất là việc mô phỏng gần như toàn bộ các nội dung cốt lõi của Basel III, nhằm tạo ra một bước đệm quan trọng để các ngân hàng từng bước nâng cao năng lực trước khi áp dụng hoàn toàn Basel III.
Với lộ trình linh hoạt từ nay đến năm 2030, các ngân hàng Việt Nam có đủ thời gian để chuẩn bị về mọi mặt: từ việc tăng cường năng lực vốn, xây dựng hệ thống dữ liệu chất lượng cao, đến việc phát triển mô hình quản trị rủi ro hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Đây chính là cơ hội vàng để hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ đảm bảo an toàn trong hoạt động mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
(*) CFA