Thông tư 14 mở đường dỡ bỏ hạn mức tín dụng như thế nào?
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng, Agribank, Thông tư 14/2025/TT-NHNN là bước ngoặt lớn trong điều hành tín dụng khi ban hành đầy đủ quy định về các bộ đệm vốn; đồng thời buộc các ngân hàng phải tăng vốn, cơ cấu lại hoạt động và kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao….

Việc bỏ "room" tín dụng, buộc các ngân hàng phải nâng hệ số Car để tăng bộ đệm an toàn tài chính.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt nam/VnEconomy bên lề buổi Tọa đàm: "Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn", ông Nguyễn Quang Ngọc nhận định Thông tư số 14/2025/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bước chuẩn bị quan trọng của Ngân hàng Nhà nước cho lộ trình xóa bỏ cơ chế phân bổ hạn mức (room) tín dụng.
Thưa ông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu lộ trình xóa bỏ “room” tín dụng. Ông nhìn nhận thế nào về tính phù hợp của bước chuyển này trong giai đoạn hiện nay?
Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì trong hơn một thập kỷ. Thực tiễn cho thấy, công cụ này từng phát huy hiệu quả trong việc giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành các mục tiêu kinh tế vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, cung tiền, kiểm soát lạm phát và giữ an toàn hệ thống tài chính trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhiều ngân hàng gặp vấn đề về nợ xấu.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank
Việc tiếp tục áp dụng hay loại bỏ cơ chế “room” tín dụng cần được thực hiện linh hoạt theo sức khỏe hệ thống ngân hàng, diễn biến của nền kinh tế cũng như chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, lạm phát được kiểm soát tương đối tốt và Chính phủ đang thúc đẩy nhiều chính sách cải cách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển các lĩnh vực đầu tư mới bên cạnh các ngành truyền thống.
Trong bối cảnh đó, việc dỡ bỏ “room” tín dụng được xem là một bước đi phù hợp để tăng cường tính thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng. Cải cách chính sách điều hành tín dụng cũng giúp các ngân hàng nâng cao tính chủ động trong xây dựng kế hoạch phát triển khách hàng, mở rộng thị phần; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận vốn, qua đó kích thích tiêu dùng, đầu tư; từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, đâu là những điều kiện cần để quá trình chuyển đổi cơ chế điều hành tín dụng diễn ra an toàn, hiệu quả?
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN ngày 30/6/2025 quy định các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, ... Theo đó, ngân hàng thương mại phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ gồm: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
"Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Thông tư 14 đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống. Bên cạnh đó, Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ".
(Ông Nguyễn Quang Ngọc, Agribank)
Quy định này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh hơn chiến lược tái cơ cấu hoạt động, nâng cao năng lực quản trị để tăng vốn, thậm chí có thể phải giảm tỷ lệ cho vay với các lĩnh vực có hệ số rủi ro tín dụng cao. Đây điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế của Basel III.
Ngoài ra, Thông tư 13/2018/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc kiểm soát các loại rủi ro trọng yếu như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, và rủi ro hoạt động,...
Sắp diễn ra tọa đàm “Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn”
Như vậy, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước đã có những lộ trình, những bước đi rất quan trọng trong việc điều hành tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Việc tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và quy định về kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước bỏ “room” tín dụng, giao quyền tự chủ cho tổ chức tín dụng với yêu cầu phải quản trị được rủi ro, hướng tới tăng trưởng tín dụng một cách bền vững, duy trì sự ổn định cho hệ thống ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng.
Thưa ông, việc bỏ “room” tín dụng có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của Agribank, đặc biệt trong việc điều hành tăng trưởng tín dụng, làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng?
Việc bỏ “room” tín dụng sẽ gắn với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát quản lý các tổ chức tín dụng theo các bộ tiêu chí mềm như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ LDR (cho vay trên vốn huy động), tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bộ đệm vốn...
Trong bối cảnh Agribank là ngân hàng thương mại nhà nước, việc tăng vốn tự có ngoài việc bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước chủ yếu phụ thuộc vào lợi nhuận để lại trong khi Agribank vẫn phải nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước. Đây cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi trong vấn đề cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác về tỷ lệ an toàn vốn.
(Ông Nguyễn Quang Ngọc, Agribank)
Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ LDR tối đa đối với các ngân hàng thương mại với cùng một tỷ lệ như nhau, dẫn đến các ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn như nhóm Big4...sẽ có nguồn vốn lớn không được cấp tín dụng cho nền kinh tế, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh chung.
Bởi vậy, Agribank sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, Agribank đang bị cạnh tranh trên chính “sân nhà” là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tại Agribank tuy đang đứng đầu toàn ngành ngân hàng nhưng thị phần cho vay đang có xu hướng giảm.
Bên cạnh những thách thức mà ông vừa đề cập thì những ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank có cơ hội hay lợi thế cạnh tranh gì khi bỏ room tín dụng thưa ông?
Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để Agribank nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Hiện nay, Agribank đã và đang xây dựng hệ thống rủi ro theo chuẩn mực Basel II, bao gồm việc đánh giá và phân loại rủi ro một cách chi tiết, cập nhật thường xuyên và sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro hiện đại, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III.
Trong những năm qua, theo định hướng của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng, đảm bảo tuân thủ room tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế.
Với định hướng điều chỉnh tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào năm 2026, về cơ bản Agribank cũng cần có những bước đi thay đổi để thực hiện định hướng này như điều chỉnh cơ chế giao và điều hành kế hoạch kinh doanh trong toàn hệ thống để nâng cao năng lực giữa các chi nhánh, đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại trên cơ sở ứng dụng số hóa, để phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát hạn mức tín dụng và chất lượng tín dụng theo ngành, nghề, lĩnh vực, đối tượng.
Với những thay đổi về chính sách như ông vừa đề cập, kế hoạch phân bổ tín dụng của Agribank trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Bám sát định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Agribank triển khai 12 chương trình tín dụng quy mô trên 400 nghìn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường đảm bảo cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng.
Agribank luôn tiên phong trong việc triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: (i) Chương trình cho vay nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, (ii) Cho vay đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, (iii) Cho vay lĩnh vực lâm thủy sản, (iv) Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ ….
Đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, Agribank tập trung cấp tín dụng với độ bao phủ lớn đến đầy đủ các đối tượng khách hàng, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, các dự án thuộc các lĩnh vực xanh, các dự án năng lượng tái tạo…
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 13% năm 2025 và các năm tiếp theo, Agribank xây dựng lộ trình tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng quản trị rủi ro, định hướng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, … đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững và hiệu quả.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thong-tu-14-mo-duong-do-bo-han-muc-tin-dung-nhu-the-nao.htm