Thu hồi 2 loại kem chống nắng giả, 1 kem dưỡng vitamin E nhưng không có vitamin E

2 sản phẩm kem chống nắng với chỉ số SPF đạt mức dưới 70% so với công bố ghi trên bao bì, được cơ quan công an kết luận là hàng giả.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem chống nắng.

Kem chống nắng có chỉ số SPF đạt mức dưới 70%

Sản phẩm đầu tiên là kem chống nắng Vitamin C, số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm: 242/24/CBMP-PT, do Công ty TNHH SX và TM Athena Việt Nam (địa chỉ cũ tại lô 18-20 khu Đồi Măng, phường Thanh Miếu, TP Việt Trì, Phú Thọ) chịu trách nhiệm và phân phối ra thị trường.

 Sản phẩm kem chống nắng Vitamin C vi phạm. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC

Sản phẩm kem chống nắng Vitamin C vi phạm. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC

Sản phẩm thứ 2 là kem chống nắng Sun Cream, số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm: 39/22/CBMP-PT, do Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis (địa chỉ cũ tại số 64, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) chịu trách nhiệm và phân phối ra thị trường.

 Sản phẩm kem chống nắng Sun Cream vi phạm. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC

Sản phẩm kem chống nắng Sun Cream vi phạm. Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC

Trên bao bì, chỉ số chống nắng của 2 sản phẩm này đều ghi SPF50+ (chỉ số chống nắng). Nhưng mẫu được giám định tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có chỉ số SPF đạt 4,2% đến 26,6% so với chỉ số ghi trên bao bì sản phẩm. Theo quy định, chỉ số chất lượng dưới 70% so với công bố thì sản phẩm được xác định là hàng giả.

Cục Quản lý Dược đề nghị Công ty TNHH SX và TM Athena Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở phân phối, sử dụng các sản phẩm nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và gửi báo cáo thu hồi đối với các sản phẩm nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 7-8.

Sản phẩm bổ sung Vitamin E nhưng không chứa vitamin E

Sản phẩm thứ 3 bị thu hồi là kem dưỡng Vitamin E Mosturising Cream Enriched with Sunflowers Oil, trên nhãn ghi: Product of Thailand; thông tin về số lô: 56; NSX: 01012024; hạn dùng 1-1-2028. Nhãn in trên lọ sản phẩm bằng tiếng nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có thông tin cơ sở chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Mẫu sản phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu tại Nhà thuốc An An (địa chỉ cũ tại 153, TDP 14, phường Kiến An, quận Hà Đông, Hà Nội), Nhà thuốc Thảo Vy (địa chỉ cũ tại số 122 đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để kiểm tra chất lượng.

Mẫu thử không đạt chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật và không phát hiện vitamin E (Tocopheryl acetat) ở giới hạn phát hiện (LOD) 25,8µg/g.

Theo kết quả tra cứu dữ liệu hệ thống công bố mỹ phẩm nhập khẩu kết nối một cửa quốc gia, sản phẩm trên chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược đề nghị các sở y tế thông báo và tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn để không mua/bán, sử dụng 3 sản phẩm nêu trên, trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm và báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện các sản phẩm này.

Các sở y tế tiến hành thu hồi các sản phẩm vi phạm nêu trên; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn; thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Riêng với sản phẩm Vitamin E Mosturising Cream Enriched with Sunflowers Oil, các sở y tế tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-hoi-2-loai-kem-chong-nang-gia-1-kem-duong-vitamin-e-nhung-khong-co-vitamin-e-post861013.html