Thu hơn 1.000 tỷ đồng cho tác quyền âm nhạc

Tổng số tiền Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được trong suốt 20 năm (2002-2021) là hơn 1000 tỷ đồng phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC), 20 năm qua (2002 - 2021) Trung tâm đã thu được đã thu được 1.063,2 đồng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh thu tác quyền, kể từ năm 2016, Bộ phận pháp chế Trung tâm thường xuyên khảo sát, phát hiện vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên...

20 năm, VCPMC thu hơn 1.000 tỉ đồng phí tác quyền âm nhạc. (Ảnh: VCPMC)

20 năm, VCPMC thu hơn 1.000 tỉ đồng phí tác quyền âm nhạc. (Ảnh: VCPMC)

Tính đến tháng 9/2022, VPCMC đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, Trung tâm hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết dòng nhạc cách mạng là dòng nhạc gần như sử dụng nhiều, được nghe đều, ổn định. Dòng nhạc trẻ thì nổi lên rồi biến mất, bài sau đẩy bài trước xuống, rồi im ắng. Dòng nhạc không lời, giao hưởng là dòng nhạc nhận được tiền tác quyền ít nhất. Trong thời gian tới, VCPMC sẽ cố gắng đưa dòng nhạc không lời, giao hưởng đến công chúng.

Nguyễn Văn Chung là một trong những nhạc sĩ có số tiền bản quyền cao trong những năm gần đây.

Nguyễn Văn Chung là một trong những nhạc sĩ có số tiền bản quyền cao trong những năm gần đây.

Là một trong những nhạc sĩ sở hữu số lượng ca khúc lên đến 300 bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thuộc nhóm dẫn đầu về số tiền bản quyền thu được hàng năm.

Anh cho biết: "Tôi có thể nói rằng VCPMC đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong con đường sáng tác nghệ thuật của mình. Nếu không có VCPMC, nếu không có những người nhiệt tình tư vấn pháp lý, có lẽ tôi rất khó giữ vững được niềm đam mê sáng tạo khi giá trị sản phẩm không được trả về tương xứng, khi sản phẩm mình vắt óc vắt cả tim gan ra làm lại bị kinh doanh trái phép.... Hiện tại, tôi có thể mạnh dạn, tự tin nói rằng ...Tôi là nhạc sĩ sống được bằng nghề, sống được với nghề".

Bên cạnh việc thu tác quyền, kể từ năm 2016, Bộ phận pháp chế VPCMC thường xuyên khảo sát, phát hiện vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên...

VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002 đến nay VCPMC từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế.

Đây là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

PV/HanoiTV

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/thu-hon-1000-ty-cho-tac-quyen-am-nhac-d210537.html