Thu phí lòng đường, vỉa hè tại thành phố Hồ Chí Minh: Công bằng và minh bạch vì Thành phố văn minh

Nhiều người dân kỳ vọng sau khi HĐND TP.HCM thông qua Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM, không chỉ góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị mà những người mưu sinh trên vỉa hè cũng được ổn định.

Thu phí vỉa hè từ đầu năm 2024

Tại kỳ họp thứ 11 ngày 19/9, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. TP.HCM sẽ chính thức thu phí từ ngày 1/1/2024.

Theo đó, có 5 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; tổ chức hoạt động văn hóa và điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.

TP.HCM sẽ chính thức thu phí vỉa hè từ ngày 1/1/2024.

TP.HCM sẽ chính thức thu phí vỉa hè từ ngày 1/1/2024.

Có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ xe ôtô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông giữ xe máy, môtô, xe đạp có thu tiền.

Mức phí được dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng. Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Về các bước sau khi HĐND TP.HCM thông qua đề án thu phí vỉa hè và lòng đường, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết, sau khi UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM, Sở GTVT và UBND cấp huyện sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể.

Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn được giao quản lý các hè phố đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Về đơn vị thu phí, Sở GTVT thu phí lòng đường đối với các tuyến đường do Sở quản lý, UBND cấp huyện thu phí lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý. Việc thu phí thực hiện đồng thời khi cơ quan chức năng chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng, thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.

Phải có sự đồng thuận của người dân

Theo ông Ngô Hải Đường, không phải tuyến đường nào trên địa bàn TP.HCM cũng kinh doanh, cho thuê, mà phải đủ các điều kiện. Khi tuyến đường đó đủ điều kiện thì quận, huyện mới khảo sát, đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện thu phí vỉa hè, lòng đường. Trước khi cho thuê vỉa hè, quận, huyện phải lấy ý kiến của chủ nhà.

Theo đó, việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để thu phí phải đảm bảo nguyên tắc chung và phải được ưu tiên cho mục đích giao thông. Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải bảo đảm các nguyên tắc như không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 m; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông...

“Trong thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, nguyên tắc đồng thuận của người dân được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác”, ông Đường cho biết và lưu ý toàn bộ (100%) khoản thu phí vỉa hè, lòng đường nộp vào ngân sách, chủ nhà không được chia khoản phí này.

Liên quan đến vấn đề này, anh Đặng Văn Khởi (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, suốt nhiều năm qua, ngày nào anh cũng kê một số bàn ghế ở vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ khách đến quán cà phê của anh. Phần vỉa hè trước nhà đó cũng chính là nơi "nuôi sống" gia đình anh suốt nhiều năm qua.

Anh Khởi cho biết, sau khi đường Phạm Văn Đồng được mở rộng lên 12 làn xe, vỉa hè thông thoáng, bà con ở khu vực này tranh thủ mở hàng quán buôn bán, nhưng việc này là vi phạm pháp luật do lấn chiếm vỉa hè, nên thường xuyên bị trật tự đô thị của phường xử phạt. "Tôi rất sẵn lòng đóng phí để được kinh doanh buôn bán, khi đó tôi không còn lo sợ bị xử phạt như trước đây nữa", anh Khởi cho biết.

Do khu vực muốn thuê vỉa hè của anh Khởi ở quận Gò Vấp, nên mức phí được áp dụng ở khu vực 3 với mức giá từ 20.000-60.000 đồng/m2/tháng. Anh Khởi cho biết, đây là mức phí hợp lý và không quá cao, và nguồn thu này được dùng để chỉnh trang vỉa hè nên cũng rất hợp tình hợp lý.

Đồng quan điểm trên, chị Ngô Thị Đào (ngụ quận 3) cho biết, chị bán hàng trên vỉa hè đường Võ Văn Tần hơn chục năm qua và thường xuyên bị nhắc nhở, thậm chí không ít lần còn bị tịch thu bàn ghế vì buôn bán gây cản trở lối đi trên vỉa hè. "Tôi có nghe thông tin Thành phố sẽ thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nhưng không biết cụ thể như thế nào. Tôi mong sớm được đóng phí để yên tâm buôn bán, không còn phải chịu cảnh hốt đồ bỏ chạy nữa", chị Đào nói.

Anh Trần Văn Hùng, chủ một quán ăn tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, rất ủng hộ chủ trương thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên kế hoạch cần được triển khai cụ thể chi tiết. Đồng thời, anh Hùng cũng mong muốn việc thu phí diễn ra công khai để người dân dễ dàng nắm bắt, cân nhắc các điều kiện về giá cả và địa điểm.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-phi-long-duong-via-he-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-cong-bang-va-minh-bach-vi-thanh-pho-van-minh-160724.html