Thư phòng không đường biên trong ngôi nhà của nữ nhà văn
Với Hiền Trang, tủ sách ở nhà giống một niên lịch kiểu khác của cuộc đời, nơi quần tụ tinh thần gia đình, nơi tập hợp những mảnh ký ức vụn vặt mà chị không muốn uốn nắn chúng theo một trật tự của lịch sử, hay sở thích, hay thể loại.

Thư phòng của Hiền Trang nằm trong một con hẻm nhỏ tại Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là nơi chị và gia đình cùng sinh sống. Khởi sự viết từ năm 2015, Hiền Trang nay là một cây bút bền bỉ của văn đàn Việt: vừa miệt mài sáng tác, vừa đều đặn viết báo bình luận về điện ảnh - âm nhạc - văn hóa cho các tạp chí lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Hiền Trang nhanh chóng khẳng định tên tuổi của một tác giả với các đầu sách đều đặn qua mỗi năm. Song hành với sáng tác, chị còn đảm nhận vai trò dịch giả, tham gia một số chương trình văn hóa - nghệ thuật trong nước lẫn quốc tế.

Vừa bước vào nhà chị, đã thấy bốn bề sách. Sách báo nhiều thể loại xếp thành các chồng lớn, từ phòng khách, xếp lên các tầng, phòng nào cũng có sách báo la liệt. Hiền Trang gọi cả ngôi nhà mình là một “tủ sách không đường biên”, và có lẽ sách đang thành “dân số chính trong gia đình, thay vì con người”.

Sách trong nhà Hiền Trang là một chứng nhân lịch sử lặng thầm của gia đình chị. Ở đây là cuốn Hồng lâu mộng của bà ngoại, ở kia là sách vật lý của người chú đi nước ngoài để lại, đây đó là sách của người chị gái giờ sống xa nhà, xen giữa là truyện tranh mà Hiền Trang đọc ngày nhỏ, hay sách văn học, triết học, nghệ thuật, thiên văn học, động vật học ngày sau này.


Hiền Trang giới thiệu từng ngăn sách theo dòng thời gian cá nhân. Chị bảo, “Nói hoa mỹ thì tủ sách nhà tôi như một điệu nhạc jazz. Còn nói thẳng thì tủ sách nhà tôi thực sự là rất lộn xộn, có khi Kawabata lại đặt cạnh… truyện tranh”. Tủ sách của chị vì thế giống như một niên lịch kiểu khác của cuộc đời.

Các cuốn sách đặt cạnh nhau có giao điểm thường là… cùng thời điểm được Hiền Trang mua, đọc. Vì thế từng ngăn sách giống như từng chặng đường lớn lên của nhà văn với sách, hơn là theo trật tự sở thích, thể loại.


Với trật tự có phần không theo lẽ thường, chị sẽ nhớ mình đã mua cuốn này khi nào, tại sao lại đặt cuốn sách này vào vị trí đó. Đó là những mảnh ký ức rất vụn vặt mà nếu phân loại sách theo một tiêu chí khoa học hơn, Hiền Trang bảo sẽ quên mất. Chị nói đây là “dòng ký ức zic zac”.

Hiền Trang chia sẻ từng đam mê đọc sách vật lý, toán học, thiên văn học, động vật học, trước khi chị đọc nhiều văn chương - nghệ thuật. Những ngày cấp 1, cấp 2, chị lớn lên với những cuốn sách khoa học mà chị bảo cũng chẳng hiểu hết kiến thức. Nhưng chúng đã nuôi dưỡng sự tò mò trong Hiền Trang về thế giới. Từ ngày tấm bé, chị đã thấy kinh ngạc trước vẻ đẹp của vũ trụ.

Hiền Trang nói: “Khi đọc những cuốn sách thiên văn, tôi thấy mình thuộc về một hệ thống cực kỳ phức tạp, tinh vi và cũng rất đẹp. Ở tuổi nhỏ, đọc những cuốn sách ấy, tôi cảm giác vũ trụ có những vấn đề phức tạp hơn những vấn đề của chúng ta. Tôi cứ nghĩ, trên đời này vẫn có những nhà khoa học dành thời gian nghĩ về những vì sao, về thiên hà, hố đen… bất chấp nhiều điều tồi tệ đang diễn ra trên thế giới. Đó là một hình ảnh đẹp và cảm động với tôi”.


Ngạc nhiên thay, Hiền Trang ít khi sử dụng tới tủ sách đồ sộ của gia đình mình. Chị cho biết mình tra cứu, đọc sách ebook vì tính tiện lợi. Nhưng Hiền Trang vẫn tích trữ sách vì chị yêu mến sách như một vật thể, như món đồ kỷ niệm, như một di chỉ của ký ức. Mỗi cuốn sách chị sẽ nhớ rằng chị đã mua nó ra sao, ở đâu, có kỷ niệm gì.

Có người hỏi "Hiền Trang có phải theo chủ nghĩa vật chất không mà yêu sách vì hình thể vật lý?". Nữ tác giả giãi bày: “thôi thì hãy coi như tôi theo chủ nghĩa vật linh”. Cuốn sách Nghìn lẻ một đêm là một ví dụ điển hình cho thói quen này. Một ngày Hiền Trang mở sách ra, thấy bìa và phân nửa cuốn đã bị mối mọt ăn nát. Nhưng Hiền Trang vẫn chọn giữ lại, vì nó gắn với nhiều kỷ niệm trong tuổi thơ của chị.

Hiền Trang và gia đình sống giữa những cuốn sách, lớn lên cùng chúng. Có những người thân dù không hiện diện tại nhà, nhưng họ “hiện diện” qua sách. Hiền Trang cho rằng “Vì lớn lên với sách vở nên tôi mới trở thành nhà văn”.

“Nếu thư phòng biết nói, nó sẽ kể điều gì về Hiền Trang?”, chị cho rằng thư phòng sẽ nói: “Cô này rất tham lam. Sách nhiều cuốn chẳng còn động tới nữa, nhưng không nỡ bỏ đi cho đỡ chật nhà. Nếu sống trong vũ trụ cây khế, cô này nhất định là ông anh. Cho đem túi 3 gang, thì cơi nới ngay thành túi 12 gang, cuối cùng vùi mình trong đống đồ đạc”.