Thủ tục hành chính phải thực sự vì dân, vì doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong lần đầu làm việc tại xã biên giới Ia Dom, cùng các đơn vị liên quan.
Sáng 9.7, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi thăm và làm việc tại xã biên giới Ia Dom; tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã; thăm, làm việc với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn, đã có buổi thăm và làm việc tại xã biên giới Ia Dom
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom ông Lê Trọng Phúc báo cáo, Ia Dom là xã biên giới có 16,2km đường biên tiếp giáp Campuchia, với diện tích tự nhiên hơn 14.500 ha, trong đó 10.831ha là diện tích cây trồng chủ lực như cao su, điều, cà phê và cây ăn quả.
Xã hiện có 2.200 hộ dân với tổng dân số 8.686 người, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm 4,68% với 103 hộ (432 nhân khẩu).
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị và an ninh biên giới cơ bản được giữ vững, ổn định.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số do thiếu trang thiết bị và hạn chế về trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức.

Nhân chuyến làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Ia Dom
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp phải đặt mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đây không chỉ là định hướng mà là yêu cầu thực tiễn”.
“Nếu sau khi tổ chức lại bộ máy mà người dân phải đi xa hơn, vất vả hơn để giải quyết thủ tục hành chính thì đó không thể gọi là thành công”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh và cho rằng, chính quyền phải gần dân, cán bộ phải gần dân, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề của dân.
Muốn làm được điều đó, trước hết thủ tục hành chính phải thực sự vì dân, vì doanh nghiệp; đồng thời phải hỗ trợ người dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai chia sẻ trước thực trạng nhiều hộ nghèo là những người trẻ, khỏe, có đất đai nhưng vẫn chưa vươn lên thoát nghèo.
Đây là bài toán mà chính quyền phải chủ động tìm lời giải. Bộ máy 2 cấp phải gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cán bộ phải được phân công rõ ràng, hiểu việc, nắm chắc pháp luật thì mới giải quyết công việc đúng đắn, hiệu quả.

Chia sẻ về việc vận hành chính quyền 2 cấp, ông Phạm Anh Tuấn lưu ý, chính quyền phải gần dân hơn, giải quyết kịp thời và đúng mực các vấn đề của dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhắc lại, việc sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai mới là một “cuộc cách mạng” trong tổ chức và điều hành bộ máy chính quyền, đòi hỏi sự quyết tâm, chủ động vượt khó của đội ngũ cán bộ.
Những khó khăn trong khả năng thì cán bộ phải chủ động khắc phục, những vấn đề lớn hơn sẽ do cấp trên tháo gỡ. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực.”
Đồng thời phải biết hướng dẫn, đồng hành cùng người dân trong việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất của mình, không để tồn tại tư duy ỷ lại.