Thủ tướng: Bộ LĐTB&XH phải là Bộ hiện thân của lòng nhân văn

Thủ tướng: Bộ LĐTB&XH phải là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân...

Sáng 17/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác của Bộ LĐTB&XH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác của Bộ LĐTB&XH

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, trong kết quả tích cực của tình hình kinh tế xã hội năm qua có đóng góp quan trọng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong đó, Bộ đã tổ chức trọng thể và ý nghĩa 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, giúp xã hội quan tâm hơn tới thương binh, liệt sỹ, gia đình có công. Cùng với đó là ban hành nhiều chính sách lớn về các đối tượng chính sách, đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực này.

Bộ cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế được Chính phủ giao; hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017 là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tỷ lệ lao động qua đào tạo và giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo báo cáo của Bộ thì tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,35%). Cùng với đó, Bộ có nhiều biện pháp để lần đầu tiên Việt Nam đưa trên 135.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn có một số tồn tại, đó là chất lượng một số lĩnh vực chưa được cải thiện, như năng suất lao động thấp; thu nhập người lao động thấp; việc làm chưa ổn định và thất nghiệp còn cao, trong đó nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm. Chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, nhất là việc quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn bất cập. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, mới đạt trên 25% và khó đạt mục tiêu 50% vào năm 2020 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH còn cao.

Thủ tướng: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân

Thủ tướng: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân

Yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khắc phục các tồn tại này, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề quan trọng, Bộ cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt 11 nhiệm vụ Bộ được giao trong Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện Chính phủ kiến tạo trong lĩnh vực ngành quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và xã hội. Bộ cần khẩn trương xử lý các hồ còn tồn đọng của các đối tượng chính sách, giải quyết kịp thời quyền lợi của người dân một cách hợp lý và phù hợp với khả năng của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công cho đến những người dễ bị tổn thương. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt vấn đề, những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn, cần được cung cấp sao cho hiệu quả?! Thủ tướng cho rằng đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này.

Đồng ý với các giải pháp Bộ nêu ra năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể Bộ cần triển khai: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khẩn trương xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương lần thứ VII; rồi một số vấn đề quan trọng cần sửa đổi bổ sung trong Bộ Luật lao động và sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thể chế này rất quan trọng. Thậm chí nhiều người nói người Việt Nam thọ 74-75 tuổi rồi mà vẫn để về hưu 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ có đúng không, làm như vậy có lãng phí không, có vỡ quỹ bảo hiểm không? Tất cả những điều đó các đồng chí phải tính toán trong Bộ Luật lao động mới.

Đối với việc điều chỉnh lương tối thiểu, Thủ tướng cho rằng đây là việc cần thiết để đảm bảo đời sống lao động, nhưng cần tính toán để cân đối giữa lao động và doanh nghiệp. Cùng với đó cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.

Thủ tướng nêu rõ: “Cần khuyến khích các tổ chức, các cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở sự nghiệp, đặc biệt cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; triển khai thực hiện tự chủ đối với các cơ sở sự nghiệp công lập, thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công thuộc ngành. Đây là vấn đề mới và lớn để kêu gọi vốn xã hội. Ví dụ như nhà dưỡng lão, một xã hội văn minh có cần không? Quan niệm cơ chế để có trại dưỡng lão cho những người cô đơn, người già ngày càng nhiều ở các địa phương đặt ra, mà các nước họ làm sớm điều này. Hay trại tế bần? Những vấn đề xã hội như vậy rất quan trọng. Vấn đề chuyển giới và những vấn đề khác ở Việt Nam đang diễn ra rất gay gắt. Các đồng chí phải có những chính sách khuyến nghị để xử lý các vấn đề xã hội đang được đặt ra”.

Theo Thủ tướng, trong công tác đào tạo nghề, Bộ phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng công nghệ thông tin.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cùng với đó là dần nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong công tác cải cách hành chính, Bộ cần giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Thủ tướng yêu cầu ngành quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người lao động ở công trường, bệnh viện…/.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-bo-ldtbxh-phai-la-bo-hien-than-cua-long-nhan-van-719868.vov