Thủ tướng chia buồn với các gia đình bị thiệt hại do thiên tai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp lần thứ Nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua và nhiệm vụ thời gian tới. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết nối tới 3.321 điểm cầu các xã, phường, đặc khu toàn quốc. Dự phiên họp tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: "Thay mặt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày vừa qua. Tôi cũng chia sẻ mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi của tỉnh Nghệ An đang hứng chịu cơn lũ lớn được đánh giá là từ trước đến nay chưa xảy ra ở Nghệ An".
Nhắc nhở công tác thông tin, công tác báo cáo và ứng phó kịp thời vì tính mạng, tài sản của nhân dân trong các trường hợp cấp bách, đột xuất, bất ngờ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Riêng đối với cơn bão số 3 (Wipha), các cấp, các ngành, các địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, nhưng ảnh hưởng trước bão và hoàn lưu sau bão vẫn gây ra những thiệt hại lớn.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua; làm rõ những mặt được, mặt chưa tốt từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến công tác ứng phó của các ngành, các địa phương và người dân; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới. Cùng với đó, thảo luận, phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai tới đây; phân công trách nhiệm tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Thủ tướng đề nghị phân công, phân nhiệm bảo đảm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả ở cả Trung ương và địa phương.
Trong thời gian xuất hiện cơn bão số 3, tại thành phố Hà Nội, UBND các xã, phường hiệp đồng, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện tại chỗ, công tác ứng phó được thực hiện chủ động, hiệu quả. Mưa, dông và hoàn lưu bão đã gây ra một số ảnh hưởng, thiệt hại trên địa bàn thành phố: trên 1.000 cây đổ, trên 2.000 cành gãy; một số thiệt hại khác do dông lốc; ngập 0,72 ha lúa; 23,5 ha cây trồng; xuất hiện một số điểm ngập cục bộ khu vực đô thị, tuy nhiên không có thiệt hại về người.
Để chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, phối hợp, bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ Thành phố triển khai thực hiện các giải pháp, công trình trọng điểm phòng chống lụt, bão; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đặc biệt là nghiên cứu giải pháp ngăn lũ rừng ngang từ vùng núi tỉnh Phú Thọ đổ về. Về lâu dài cần quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị thảo luận, đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc như thế nào, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay.