Thủ tướng Chính phủ: Hà Nội phải tiên phong phát triển kinh tế số, xã hội số

Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục hành chính đến hết năm 2025; cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID đạt 55,67%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế-văn hóa-khoa học-giáo dục của cả nước, Hà Nội phải là địa phương đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06; đánh giá kết quả lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay (28/6).

Nhiều kết quả mang tính đột phá

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo nhiệm vụ Chính phủ giao.

Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân thành phố với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, thành phố đã tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố từ các nguồn dữ liệu; Đã đồng bộ được 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên VNeID của Bộ Công an.

Việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử (tiết kiệm chi phí mua sổ giấy: 5.000đ/sổ x 16,6 triệu lượt khám = 83 tỷ đồng) và các chi phí phát sinh khác như xét nghiệm, thời gian.

Nhấn mạnh việc triển khai này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trên cơ sở đánh giá thành công của Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/05/2024, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID tại Quyết định số 1332/QĐ-BYT. Văn bản này tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể các các địa phương triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VneID, trong đó có quy định 46 trường thông tin và nội dung thông tin hiển thị trên Sổ.

Đến nay, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý hồ sơ sức khỏe, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng ngãi…, tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID trên phạm vi toàn quốc,” Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Hà Nội là một trong hai địa phương đầu tiên tổ chức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID kể từ ngày 22/4/2024.

Tính đến nay, hơn 5.000 hồ sơ yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp được khai thác qua ứng dụng VNeID và nhận được đánh giá vô cùng tiện lợi, thuận tiện, tiết kiệm kinh phí và thời gian cho người dân Thủ đô. Tỷ lệ hồ sơ nộp xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đạt hơn 85%. Việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đem lại rất nhiều lợi ích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ, thu hút người dân Thủ đô tham gia trải nghiệm ứng dụng, Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố Hà Nội với ước tính 9,7 tỷ đồng, thời gian kéo dài đến hết 31/12/2024.

Kết quả đánh giá tại thành phố Hà Nội sẽ là cơ sở Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ triển khai nhân rộng chính thức trên toàn quốc. Đây cũng được xác định là tiền đề sẵn sàng cho việc triển khai tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 01/7/2024.

Hướng đến người dân, doanh nghiệp

Về an sinh xã hội, báo cáo của Hà Nội cho thấy trong 10 ngày triển khai cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2024, từ tỷ lệ chưa đến 10% số trường hợp có tài khoản/01 quận, toàn thành phố đã thực hiện việc vận động và đăng ký thành công 290.955/291.203 trường hợp an sinh xã hội, đạt tỷ lệ 99,91% và 92,69/99,9 trường hợp có tài khoản đã thực hiện nhận trợ cấp qua tài khoản.

Về chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm Xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt, chỉ trong thời gian 21 ngày (từ 10/5/2024 đến 31/5/2024) số người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân đạt 93,29%; tăng gấp đôi so với tỷ lệ trước đó (khoảng 45% và giữ bền vững qua các năm).

Liên quan đến thu giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Tính đến ngày 20/6/2024 (sau 2 tháng triển khai), tổng số bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố là 64 điểm thuộc 9/30 quận, huyện, tăng 54 điểm và 07 quận, huyện so với thời điểm trước đó.

Đối với Triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, đến tháng 6/2024 đã định danh và tổng hợp được dữ liệu lớn về thương mại điện tử gồm: 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú; các cá nhân đơn vị bán hàng online…

 Hà Nội đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong việc giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hà Nội đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong việc giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng nhấn mạnh, Chuyển đổi Số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Chuyển đổi Số đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người." Do đó, Thủ tướng kêu gọi cả nước, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua, Thủ tướng cho biết Hà Nội đã ban hành 02 Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, 01 Công điện, 04 Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố, 06 Kế hoạch và hơn 120 văn bản với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả."

Cùng với đó, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, với quan điểm cơ chế, chính sách chính là nguồn lực quan trọng cho phát triển; triển khai phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đây là một giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn, góp phần triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chuyển đổi Số trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Thông tin thêm, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định các kết quả trên của thành phố Hà Nội đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của thành phố và các giá trị hiệu quả của Đề án đã mang lại hiệu quả từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh hiện pháp luật đã cho phép việc sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, như Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đối việc sử dụng phiếu lý lịch tư pháp điện tử (đề nghị cấp trên tài khoản định danh điện tử) tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính….

Tuy nhiên, tại một số bộ, ngành, địa phương nhiều loại dữ liệu chưa được số hóa đầy đủ; quy trình nghiệp vụ chưa được cải tiến, công dân vẫn phải xuất trình giấy tờ giấy, phải sao y, công chứng trước khi thực hiện thủ tục hành chính. Do vậy, Bộ trưởng đề xuất Thủ tướng Chính phủ kết luận giao người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo vấn đề này để người dân được hưởng những tiện ích Đề án 06 mang lại.

Về phía Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thông tin, trong quý 3 hoặc đầu quý 4/2024, Hà Nội sẽ xin Quyết định thành lập mô hình cấp Sở ngang với các Sở vừa là cung cấp dịch vụ công, đồng thời giám sát không làm thay chính quyền, không làm thay các bộ phận quận, huyện, thị xã được phân cấp ủy quyền cũng như là giám sát đảm bảo sự công khai minh bạch và làm đầu mối để tiếp xúc với dân./.

Tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố bao gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.

Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VneID: Tạo nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, sử dụng sổ khám sức khỏe duy nhất trong đời.

Đặc biệt là hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo AI tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-chinh-phu-ha-noi-phai-tien-phong-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-post961794.vnp