Thủ tướng: 'Không để tình trạng dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được'
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không để tình trạng dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được.
Chiều 24-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc thù trên cả nước.
Chia buồn với thân nhân gia đình người bị nạn do thiên tai
Phải biểu khai mạc phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày qua.
Thủ tướng cũng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu bởi đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: VGP
Thủ tướng cho biết sáng 24-7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho nhân dân vùng bị chia cắt tại Nghệ An.
Trước đó, Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vào Nghệ An, có mặt tại các vùng xung yếu, làm việc, kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó. Ông nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không để tình trạng "dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được".
"Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết theo quy định, phòng thủ dân sự bao gồm: Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Thủ tướng nêu rõ Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để bàn về một trong những nội dung rất quan trọng của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Trước tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, đặc biệt là sáu tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phân công, phân định rõ trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phòng chống thiên tai phải được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn. Bộ Quốc phòng – với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự – sẽ là đơn vị chủ trì.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, do đây là chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Do đó, hai bộ cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả thực thi. Việc phân công phải cụ thể theo đúng tinh thần “6 rõ” gồm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ thẩm quyền và rõ kết quả.
Từ nay đến cuối năm, thiên tai còn cực đoan, khó lường
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết dự báo tình hình thiên tai các tháng cuối năm còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và rất khó lường.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2025, có khoảng 8 đến 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và dự kiến có khoảng 3 đến 5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
“Hiện nay bão số 4 đang hình thành nhưng khả năng không ảnh hưởng đến Việt Nam” - ông Hiệp cho biết.
Dự báo về mưa lớn, theo Thứ trưởng Bộ NN&MT, nửa cuối tháng 7 đến tháng 9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa vừa đến mưa to và kéo dài, đặc biệt sẽ có những đợt mưa rất cực đoan.

Các đại biểu dự phiên họp Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất tại điểm cầu Bộ NN&MT.
Thời kỳ từ tháng 10 đến tháng 12, khu vực ở Trung Bộ mưa lớn tập trung trùng với thời kỳ bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh, do vậy cần đề phòng nguy cơ lũ chồng lũ...
Thứ trưởng NN&MT đánh giá, thiên tai các tháng cuối năm còn diễn biến rất phức tạp. Ông đề nghị các bộ, ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên được phân công. Trước hết, cần đẩy mạnh cải tiến chất lượng dự báo, tập trung vào tình huống dự báo như bão mạnh, mưa cực đoan, sạt lở, lũ lụt...
Cùng đó, khẩn trương kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; tập trung triển khai biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai sáu tháng đầu năm.
Ông Hiệp cũng đề nghị cần tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập bị sự cố hư hỏng, hệ thống điện lực, hệ thống trạm bơm, hệ thống thông tin liên lạc để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo, không để bị mất liên lạc.
"Rà soát, xây dựng phương án cụ thể để ứng phó sát thực tế, đảm bảo an toàn cho các hồ đập lớn, thủy điện, nhất là khi xuất hiện các tình huống mưa lũ vượt mức thiết kế, không để bị động bất ngờ..." - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.