Thủ tướng: Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: VGP.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thời gian qua; rút ra bài học kinh nghiệm và xác định nhiệm vụ cho những tháng cuối năm và giai đoạn tới.

Theo báo cáo và ý kiến tại phiên họp, công tác chỉ đạo đã được triển khai liên tục, sát sao theo tinh thần “từ sớm, từ xa”. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng từng trực tiếp đến các điểm nóng để chỉ đạo, trong khi lãnh đạo địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng tại chỗ.

Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia cùng hệ thống ban chỉ huy các cấp đã phát huy vai trò trung tâm, thực hiện phương châm “chủ động, quyết liệt, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất”, kết hợp hiệu quả nguyên tắc “bốn tại chỗ”. Sự vào cuộc tích cực của người dân và chính quyền cơ sở góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã được huy động đến các điểm khó khăn, nguy hiểm để sơ tán dân, giữ gìn trật tự, cứu hộ, cứu nạn.

Phiên họp cũng thảo luận việc phân công, phân định rõ nhiệm vụ trong công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, nhất là trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đáng chú ý, một số lãnh đạo cấp xã đã trực tiếp báo cáo tại cuộc họp.

Lãnh đạo xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) cho biết, từ tối 21/7 mưa lớn khiến nước sông Nậm Mộ dâng nhanh, tràn vào khu dân cư thị trấn Mường Xén, gây ngập sâu từ 1 - 4 m. Khoảng 10 - 20 bản bị ngập từ 1 - 3,5 m, một số tuyến đường bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn; xã bị mất điện, sóng điện thoại và nước sinh hoạt. Hiện nước đã rút, nhưng nhiều đoạn đường vẫn ngập bùn, có nơi bùn dày hơn 3 m.

Xã chưa ghi nhận thiệt hại về người, song nhiều tài sản, hoa màu bị cuốn trôi; 9 nhà sập hoàn toàn, 8 nhà khác có nguy cơ sập. Ngay trong đêm 21/7 và sáng 22/7, lực lượng chức năng đã di dời hàng trăm hộ dân khỏi vùng nguy hiểm, trong đó kịp thời cứu 3 hộ (9 người) mắc kẹt trên mái nhà giữa dòng lũ.

Một số địa phương tham gia họp trực tuyến. Ảnh: VGP.

Một số địa phương tham gia họp trực tuyến. Ảnh: VGP.

Sau khi nước rút, chính quyền huy động máy móc, nhân lực khắc phục hậu quả, dọn bùn đất, thông đường, khôi phục Quốc lộ 7, trụ sở các cơ quan và cơ sở hạ tầng. Xã tiếp tục đánh giá thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất.

Đặt tính mạng người dân lên trên hết, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai toàn diện

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các báo cáo và ý kiến tại phiên họp đã phản ánh bức tranh tổng thể về công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng nêu rõ, thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, gây hậu quả nặng nề, riêng năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025, cả nước xảy ra hơn 10.200 sự cố thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích, gây thiệt hại kinh tế lớn. Đặc biệt, bão số 3 năm 2024 là cơn bão mạnh nhất 70 năm qua, gây thiệt hại gần 85.000 tỷ đồng và làm giảm 0,25 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Tình hình 7 tháng đầu năm 2025 tiếp tục nghiêm trọng, với 114 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế trên 553 tỷ đồng. Thực tiễn này đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là quân đội, công an và chính quyền cơ sở đã kịp thời hỗ trợ người dân. Tới ngày 24/7, đã có 6 chuyến bay trực thăng chở 18 tấn hàng cứu trợ đến vùng lũ Nghệ An và tiếp tục triển khai thêm.

Về nguồn lực hỗ trợ: Chính phủ đã huy động 5.530 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, xuất cấp 1.052 tấn gạo, 629 tấn giống cây trồng, 90.000 lít hóa chất khử trùng. Các địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai cũng chủ động bố trí hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục thiệt hại. Cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ trên 25 triệu USD và 222 tấn hàng cứu trợ. Các tổ chức trong nước vận động gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Thủ tướng đánh giá cao việc duy trì thông suốt công tác chỉ đạo trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời ghi nhận và cảm ơn sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các lực lượng và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế như thiệt hại về người vẫn rất lớn; công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin còn bất cập; năng lực chống chịu của hạ tầng còn yếu; nhiều tuyến đê chỉ chống được bão cấp 9 - 10 nhưng thực tế phải chịu cấp 11 - 12; phương tiện, thiết bị cứu hộ còn thiếu và lạc hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh bài học rút ra là cần làm tốt hơn công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo; ứng phó sát thực tiễn, quyết đoán và đặt sinh mạng người dân là ưu tiên cao nhất; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, các cấp và với người dân.

Thay đổi căn bản tư duy phòng chống thiên tai, lấy con người làm trung tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự báo thời tiết năm 2025 rất phức tạp, đặc biệt trong các tháng 8, 9, 10. Thực tế cho thấy thiên tai ngày càng bất thường, không theo quy luật, do đó cần thay đổi căn bản tư duy: chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, kịp thời, khắc phục nhanh chóng. Lấy con người làm trung tâm, lấy xã, phường, đặc khu làm "pháo đài"; đưa quản lý rủi ro thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần làm tốt hơn công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần làm tốt hơn công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo. Ảnh: VGP.

Thủ tướng yêu cầu tạo đột phá trong dự báo, năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả và đầu tư hạ tầng đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, hoàn thiện thể chế phù hợp tình hình mới, kiện toàn bộ máy từ Trung ương tới cơ sở.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, phối hợp với các bộ, ngành liên quan duy trì nghiêm chế độ ứng trực; xây dựng hệ thống Tổng đài 112 thông suốt; tổ chức lực lượng chuyên trách tinh gọn, mạnh; phối hợp tuyên truyền và tổ chức huấn luyện, diễn tập sát thực tiễn.

Bộ Công an chủ trì ứng phó thảm họa cháy lớn ở đô thị, khu công nghiệp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ; ngăn chặn lợi dụng thiên tai để chống phá.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì dự báo, cảnh báo thiên tai; hướng dẫn, kiểm tra thực hiện phòng chống thiên tai tại địa phương; xây dựng và công bố Sách trắng phòng chống thiên tai hằng năm; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Bộ Y tế công bố thông tin dịch bệnh liên quan đến thiên tai; phối hợp đầu tư hệ thống y tế quân dân y tại vùng biên giới, biển đảo; xây dựng lực lượng y tế phục vụ phòng thủ dân sự.

Bộ Tài chính chủ trì thành lập và hướng dẫn vận hành Quỹ Phòng thủ dân sự Trung ương và cấp tỉnh; đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng thủ dân sự.

Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong phòng chống thiên tai; thiết lập hệ thống dự báo thời gian thực, bản đồ rủi ro, cảnh báo sớm.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng thủ dân sự, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát và thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, cứu hộ, cứu nạn theo thẩm quyền. Việc triển khai phải quyết liệt, triệt để, theo phương châm "6 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ thẩm quyền), không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão, sơ tán đến từng hộ, kiểm soát đến từng người

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu phải là “tư lệnh chỉ huy” phòng thủ dân sự tại địa bàn mình phụ trách.

Yêu cầu đặt ra là khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh và cấp xã, đảm bảo hệ thống chỉ huy thống nhất, hiệu quả. Rà soát, cập nhật phương án ứng phó, phát huy thực chất phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động xử lý vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, khu đổ thải để ứng phó khẩn cấp các điểm sạt lở, ách tắc giao thông.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý năng lực của cấp xã là thước đo năng lực chỉ đạo của tỉnh, cần đầu tư trang bị, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ, lập phương án sơ tán cụ thể đến từng hộ; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất, bằng mọi phương tiện.

"Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão, phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng, ví dụ như: 'Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!',"Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Đặt tính mạng người dân lên trên hết, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai toàn diện. Ảnh: VGP.

Thủ tướng: Đặt tính mạng người dân lên trên hết, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai toàn diện. Ảnh: VGP.

Cùng với đó, chủ động hậu cần tại chỗ, phải có phương án đảm bảo người dân có đủ lương thực, nước uống trong ít nhất 24 - 48h đầu tiên khi bị chia cắt. Phải kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi trên nỗi đau của người dân. Tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết, phải cương quyết, không nể nang để người dân đi vào vùng nguy hiểm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng đề xuất khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua, bảo đảm kịp thời, chính xác, sát thực tế; các Bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với các cơ quan dự báo của các nước, quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, công tác chuẩn bị, công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả phòng thủ dân sự; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc đôn đốc, kiểm tra, người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng thủ dân sự, mọi chính sách phải hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia thực hiện.

Từ đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3 - 8,5% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-nang-cao-nang-luc-phong-chong-thien-tai-44188.html