Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết quả sẽ cao hơn nếu chúng ta hành động quyết liệt!

'Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế' – Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm và tiến hành trả lời chất vấn đối với phiên chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ.

Không để bê trễ giải ngân các dự án trọng điểm

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị.

Các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn (Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn (Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội)

Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng gần đây...

Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Chúng ta có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng NSTW 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí NSNN và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách như đối phó tình hình sạt lở bở sông, bờ biển, suy giảm nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có việc tập trung đầu tư cảng biển, cảng sông. Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của Vùng cho đất nước.

Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh

Về cơ cấu lại DNNN, Thủ tướng nói: tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đặt yêu cầu cụ thể về năng lực quản trị của các DNNN tiến tới đạt chuẩn mực thông lệ quốc tế. Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, cần tập trung giải quyết, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm.

Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu, Thủ tướng chỉ đạo, cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu 2020, giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, đề nghị tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới. Đặc biệt, cần phối hợp với ngành tòa án cải thiện mạnh mẽ chỉ số giải quyết phá sản (Xếp hạng của WB về chỉ số này của Việt Nam là 133/190 nền kinh tế).

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tổng hợp, đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị 20 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp ở tất cả các Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng nhập lậu qua biên giới, hàng giả,… tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Chiều 8/11, Quốc hội kết thúc ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của 4 Bộ trưởng (Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Nội Vụ, Thông tin và Truyền thông) và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 8/11, Quốc hội kết thúc ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của 4 Bộ trưởng (Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Nội Vụ, Thông tin và Truyền thông) và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư. Đây là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh. Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một Luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập.

Đất nước đang đứng trước thời cơ và thuận lợi lớn

Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020- 2021. Thủ tướng kêu gọi: Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các vị ĐBQH.

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị" - Thủ tướng nói.

EVN sẽ tiếp tục phủ kín điện cho vùng sâu, vùng xa

Trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, bên cạnh rất nhiều vấn đề lớn liên quan đến quốc kế, dân sinh, đến phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian trả lời nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia- đây là lĩnh vực được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng nói, hiện nay, chúng ta đã có Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Ban thường trực và các thành viên là nhiều bộ, ngành. Ban chỉ đạo này phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện và không được công bố là sẽ thiếu điện, tiến tới xây dựng nền năng lượng quốc gia độc lập, tự chủ.

Liên quan đến việc cung ứng điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng cho biết, đây là cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, nhất là Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện vẫn còn một số xã, thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, không nhất thiết phải sử dụng điện lưới quốc gia mà có thể đa dạng hóa bằng nhiều loại hình khác, như điện mặt trợi, thủy điện nhỏ và các hình thức khác.

“Như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo, chúng ta đã có nguồn vốn đầu tư để đầu tư phát triển lưới điện cho vùng sâu, vùng xa. Tới đây, Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện để phủ kín điện cho khu vực này. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” – Thủ tướng khẳng định.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ket-qua-se-cao-hon-neu-chung-ta-hanh-dong-quyet-liet-127969.html