Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần bám sát, chủ động ứng phó, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của BCĐ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết nối tới 3.321 điểm cầu các xã, phường, đặc khu toàn quốc.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 56 điểm cầu các xã, phường trong tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 23/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tổ chức lại BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia; BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia. Trong đó, quy định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu, tổ chức; quy chế hoạt động; quy định về giải quyết công việc của BCĐ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ nêu rõ: Phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt vì Việt Nam có địa hình trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng hạn, xâm nhập mặn… Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, BCĐ các cấp theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt. BCĐ các cấp huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ, huy động hơn 1,1 triệu lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 9.159 vụ, cứu hơn 7.000 người và 700 phương tiện; hướng dẫn gần 800.000 lượt phương tiện với hơn 4,8 triệu lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Năm 2024, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua; tháng 6 vừa qua, khu vực Trung Bộ xảy ra mưa lớn, ngập lụt giữa mùa khô. Đối với cơn bão số 3 năm 2025 (Wipha), các cấp, các ngành, các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, nhưng ảnh hưởng trước bão và hoàn lưu sau bão vẫn gây ra những thiệt hại lớn.

Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, làm rõ những mặt được, mặt hạn chế từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến công tác ứng phó của các ngành, các địa phương và người dân; đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị BCĐ các cấp nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng; tăng cường huấn luyện, tập huấn, diễn tập theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”; gắn diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với diễn tập khu vực phòng thủ. Tuân thủ nguyên tắc "3 phải": phải phòng thủ từ sớm, từ xa; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, an toàn và hiệu quả; khắc phục phải toàn dân, toàn diện và toàn phần.

Lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, quân đội, Công an và các bộ, ngành, địa phương cùng lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Người dân phải trực tiếp tham gia là chủ thể chủ động, phòng chống thiên tai, không được chủ quan, lơ là, cần nâng cao tinh thần chủ động cập nhật thông tin dự báo thời tiết. Yêu cầu phải chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời linh loạt, khắc phục hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu phải là pháo đài phòng thủ. Các cơ quan, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức BCĐ các cấp đi đôi với kiện toàn lực lượng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu; thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các tình huống, phương án, kế hoạch ứng phó phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trương Quyến - Xuân Trường

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-can-bam-sat-chu-dong-ung-pho-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-3178885.html